Nông dân vượt khó mùa dịch

09:08, 13/08/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Thời tiết khiến cho lá hẹ tươi có năng suất và chất lượng không như mong muốn. Nhiều nông dân trồng hẹ ở thôn 1, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức đang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, vừa bám ruộng để duy trì diện tích, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
 
Rớt giá do dịch
 
Những ngày dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp trở lại, cánh đồng lúa ở thôn 1, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức vắng lặng, bình yên hơn, không rộn ràng như mọi khi.
 
Xen giữa những ruộng lúa mênh mông không một bóng người thì ở những ruộng hẹ, nhà nhà trồng hẹ ở đây đang lo thu hoạch để thương lái kịp chở đi cho buổi chợ hôm sau. Những ngày như thế này có thương lái gọi điện đặt mua là dịp hiếm nên ai cũng tranh thủ.
 
Đang tỉ mẫn cắt hẹ bán, vợ chồng ông Bùi Thi, 55 tuổi cho biết, mùa hẹ này rớt giá thê thảm. Trước dịch, giá còn ở mức 22.000 đồng/kg thì từ khi dịch bùng phát trở lại cho đến nay chỉ còn khoảng 15.000 đồng/kg.
 
Hẹ rớt giá do thời tiết và ảnh hưởng của dịch Covid- 19 khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn.
Hẹ rớt giá do thời tiết và ảnh hưởng của dịch Covid- 19 khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn.
 
Nguyên nhân theo lão nông này chia sẻ, do mùa này trời nắng nóng, thỉnh thoảng hay có mưa dông, thời tiết không ổn định nên lá hẹ bị vàng lá, đốm trắng rất nhiều ở đầu ngọn.
 
Mặc khác, do dịch bùng phát mạnh nên người dân hạn chế đến chỗ đông người như chợ và siêu thị. Nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng rau, củ, quả cũng giảm theo. Thương lái đặt rồi lại hủy do bạn hàng ở các chợ e dè, lo bán không hết. Nông dân phải thu hoạch cầm chừng.
 
“Mọi hôm hai vợ chồng cắt 20 ký trong ngày, nhưng giờ lượng tiêu thụ cũng giảm đi, nên cũng chỉ cắt 10 ký thôi, kiếm cũng được 500 nghìn đồng. Chợ sông Vệ nay cũng cấm họp nên việc tiêu thụ gặp khó khăn lắm”, ông Thi cho hay.
 
Cạnh ruộng hẹ nhà ông Thi là ruộng hẹ của gia đình bà Lê Thị Chín, 47 tuổi, cũng ở thôn 1, xã Đức Chánh. Giá hẹ xuống thấp khiến gia đình mất đi một khoảng chi tiêu lớn trong mùa dịch này.
 
“Bình quân mỗi năm, với chừng 5 sào hẹ, sau khi trừ chi phí gia đình thu về ít nhất 100 triệu đồng. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, trải qua 2 trận dịch, đời sống bà con thật sự khó khăn. Ngày thường thuê người làm nhiều, cắt khoảng 60 ký một ngày. Bây giờ giảm nhân công, mỗi ngày 3 người cắt khoảng 30 ký thôi", bà Chín cho hay.
 
Bảo vệ bản thân giữa mùa dịch
 
Cánh đồng ở thôn 1, xã Đức Chánh, được biết đến là vùng trồng hẹ nổi tiếng từ những năm 2006 đến nay, xuất phát do một số hộ dân đi làm ăn kinh tế mới ở Tây Nguyên gặp trắc trở với cây cà phê và trở về nảy ra ý tưởng trồng cây hẹ. Từ một vài hộ, đến nay có khoảng 22 hộ tham gia trồng, với diện tích khoảng 2,1 ha trên đất thổ cư.
 
“Với giá hẹ trung bình trong năm khoảng 22.000 đồng/kg, có lúc lên 35.000 đồng/kg, bình quân hằng năm người dân thu về 1,2 tỷ đồng/ha. Trong những năm qua, cây hẹ được đánh giá là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là cây giảm nghèo để người dân trong xã vươn lên làm giàu”, Chủ tịch Hội nông dân xã Đức Chánh Nguyễn Văn Thanh nhận định.
 
Dịch bùng phát mạnh, hẹ rớt giá, nhiều diện tích lại không cho năng suất và chất lượng như mong muốn. Dù vậy, người dân ở địa phương vẫn không thể nào bỏ cây trồng truyền thống, là cây thương hiệu ở xã nhà. 
 
Người dân luôn đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid- 19 khi ra ruộng.
Nông dân luôn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid- 19 khi ra ruộng.
 
Vừa chống dịch nhưng cũng phải vừa đảm bảo phát triển kinh tế gia đình. Ngoài diện tích đang thu hoạch, các hộ trồng hẹ bố trí, phân nhau phòng trừ sâu bệnh, vun gốc, nhổ cỏ, bón phân chuồng cho phần diện tích đang cần chăm sóc.
 
Dù làm việc vất vả, nặng nhọc nhưng những người dân vẫn chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
 
Không thuê quá nhiều người làm tập trung như trước mà mỗi hộ nhiều nhất cũng chỉ có từ 2- 3 người làm và đều chấp hành việc đeo khẩu trang khi ra ruộng, hạn chế tiếp xúc với nhau. Giữa các gia đình có ruộng liền kề đều giữ khoảng cách khá xa.
 
"Điều mong muốn nhất của người dân bây giờ là chính quyền các cấp luôn đặt công tác phòng chống dịch lên hàng đầu để dịch bệnh nhanh chóng qua đi, mọi thứ trở lại như cuộc sống thường ngày. Hoạt động sản xuất của bà con rồi sẽ ổn định trở lại, đời sống không trì trệ, khó khăn như bây giờ...", bà Chín nói.
 
Bài, ảnh: Cẩm Tiên

.