(Báo Quảng Ngãi)- Để nâng cao giá trị những sản phẩm nông nghiệp truyền thống, ngoài người sản xuất, thì cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng tạo các kênh phân phối uy tín và trồng thử nghiệm những loại cây trồng mới, góp phần đưa nông sản trong tỉnh đến với người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người sản xuất...
Đa dạng các kênh phân phối
Những năm gần đây, nhiều nông sản của Quảng Ngãi đã vào các kênh phân phối lớn như Siêu thị Co.op Mart, Big C, Siêu thị GO Quảng Ngãi... Ngoài ra, Sở Công thương còn triển khai xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP - là sản phẩm từ Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tại số 157, đường Phan Bội Châu (TP.Quảng Ngãi).
Các nông sản nổi tiếng của Quảng Ngãi được bày bán tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ OCOP Quảng Ngãi. |
Điểm bán hàng trên đi vào hoạt động từ đầu năm 2020, với mục đích quảng bá, giới thiệu và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Hiện tại, điểm bán hàng này có đến 80% sản phẩm nông nghiệp "Made in Quảng Ngãi", tiêu biểu như mật ong Na Ni, nước mắm Sakydo, nước mắm Mười Quý, ớt xiêm Sơn Hà, hành tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng, nhang, trầm hương... Đây đều là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ OCOP Quảng Ngãi Nguyễn Công cho biết: "Chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT, Sở Công thương... để kết nối, quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Quảng Ngãi. Các sản phẩm truyền thống ở điểm bán hàng được người tiêu dùng đón nhận. Hiện tại, Hội đồng chấm điểm, đánh giá sản phẩm OCOP Quảng Ngãi đã tiến hành đánh giá lần 1 đối với 11 sản phẩm nông nghiệp. Nếu đạt yêu cầu, thì 11 sản phẩm này sẽ tiếp tục đưa vào điểm bán hàng của công ty, qua đó góp phần tăng giá trị cho nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như nấm, tỏi, nước mắm...".
Theo ông Nguyễn Công, việc đánh giá phân hạng sản phẩm nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tích cực tham gia Chương trình OCOP, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm và đảm bảo các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, góp phần phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Đưa cây trồng mới lên núi
Giữa tháng 6.2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Hà triển khai mô hình trồng dưa lưới nhà màn tại xã Sơn Bao trên diện tích 400m2, với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng. Dưa lưới không được trồng theo cách truyền thống, mà được trồng bằng công nghệ cao, lắp đặt hệ thống tưới phun nhỏ giọt, quạt thông gió, sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học thay thế cho thuốc hóa học để đảm bảo chất lượng quả sau thu hoạch. Việc đưa giống dưa lưới lên miền núi góp phần đa dạng hóa cây trồng, theo kế hoạch sẽ triển khai trên diện tích lớn hơn, tạo đà phát triển kinh tế cho các xã vùng cao.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở xã Sơn Bao (Sơn Hà). |
Từ sự quyết tâm, nỗ lực của những người đảm nhiệm mô hình trồng dưa lưới, cùng với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên dưa lưới sinh trưởng, phát triển tốt. Sau hơn hai tháng chăm sóc, lứa quả đầu tiên đạt năng suất cao. Bình quân mỗi quả đạt 2,2kg đối với giống dưa lưới Kim Long và 1,4kg đối với giống Chu Phấn. Dưa lưới bán trên thị trường hiện tại ở mức 45.000 đồng/kg, nếu dưa được tiêu thụ suôn sẻ, thì mỗi vụ người trồng dưa thu lợi nhuận khá.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long, có 80% hộ dân ở huyện là người đồng bào dân tộc thiểu số. Sắp tới, huyện sẽ chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màn tới các hộ dân có nhu cầu. Tuy nhiên, việc nhân rộng đang gặp khó khăn, vì vốn đầu tư khá cao so với nguồn lực sẵn có của hộ nông dân. Huyện đã ký kết với Siêu thị Big C trong việc bao tiêu sản phẩm này, nên người trồng dưa không phải lo đầu ra.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN