Cấm đánh bắt cá mùa sinh sản: Luật đã có, nhưng khó thực thi

06:08, 13/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều, biện pháp thi hành Luật Thủy sản đã quy định cụ thể việc cấm đánh bắt một số loại thủy sản trong mùa sinh sản, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thế nhưng, trên thực tế, ngư dân thực thi chưa nghiêm; trong khi đó việc giám sát của các ngành chức năng gặp khó, do thiếu nhân lực.
Khai thác tràn lan
 
Vài năm trở lại đây, thay vì đánh bắt cua biển trưởng thành như trước đây, ngư dân sống hai bên bờ cửa Đại thuộc xã Tịnh Long, Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) lại chuyển sang nghề “săn” những con cua nhỏ bằng đầu ngón tay ngay trong mùa cua đang sinh sản để bán cho thương lái với giá từ 3 - 5 nghìn đồng/con.
 
“Từ tháng 3 âm lịch đến nay, bình quân mỗi ngày, tôi thu mua từ 700 - 1.000 con cua giống rồi xuất bán đi Hà Nội. Mặc dù thị trường có nhiều cơ sở chuyên sản xuất cua giống, nhưng các chủ hồ nuôi vẫn ưa chuộng cua giống tự nhiên. Do vậy, giá cua giống tăng dần theo từng năm, từ 1 - 2 nghìn đồng/con nhỏ bằng đầu ngón tay, giờ lên 3 - 5 nghìn đồng/con”, bà Nguyễn Thị Hoa, chuyên thu mua cua giống ở xã Nghĩa An cho biết. 
 
Tình trạng ngư dân khai thác hải sản
Tình trạng ngư dân khai thác hải sản "non" khiến nguồn lợi thủy sản không kịp tái tạo.
 
Việc người dân chạy theo lợi nhuận trước mắt để khai thác, mua bán cua biển ngay trong mùa sinh sản khiến nguồn lợi cua giống tại khu vực cửa Đại ngày càng cạn kiệt. Theo nhiều ngư dân chuyên khai thác cua con tại Tịnh Long, nếu như 3 năm về trước, bình quân mỗi đêm vươn khơi, ngư dân có thể đánh bắt được từ 500 - 1.000 con, thì từ năm 2019 đến nay, sản lượng đánh bắt của mỗi tàu chỉ còn 1/3 so với trước.
 
Không chỉ cua biển đang bị săn lùng, khai thác trong mùa sinh sản, mà cá ngựa đen, ngựa gai, cá mú hoa nâu, tôm hùm đỏ... cũng đang bị khai thác theo kiểu tận diệt, dù Nghị định 26 đã quy định khá cụ thể về thời gian và kích thước tối thiểu được phép khai thác... “Mặc dù ngành chức năng đã tuyên truyền không đánh bắt cá ngựa tại một số thời điểm trong năm, nhưng ngư dân chúng tôi rất khó thực hiện theo quy định này. Vì tàu tôi hành nghề giã cào, nên khi đánh lưới thường “vô tình” cào phải cá ngựa. Việc cá dính lưới là bất khả kháng, chứ chúng tôi không chủ đích”, chủ tàu N.T.T, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) giãi bày.
 
...nhưng khó xử lý
 
Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tiến tới phát triển nghề cá có trách nhiệm, tại Nghị định 26 (có hiệu lực thi hành từ tháng 4.2019), Chính phủ đã quy định cụ thể thời gian cấm khai thác của 48 loài cá, 10 loài giáp xác kèm theo kích thước được phép khai thác của từng loài. Trước đó, Thông tư 01 của Bộ NN&PTNT ban hành năm 2011 về việc sửa đổi, bổ sung danh mục các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển cũng quy định về cấm khai thác vào mùa sinh sản. 
 
Cua xanh
Cua xanh "non" có kích thước nhỏ bằng đầu ngón tay trên sông Trà Khúc bị ngư dân khai thác cạn kiệt.
 
Quy định cụ thể là vậy, nhưng theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười, từ năm 2011 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh chưa phát hiện và xử phạt trường hợp nào khai thác thủy sản vi phạm thời gian đánh bắt, kích thước thủy sản đánh bắt.
 
“Phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Thủy sản tỉnh) là phòng chuyên môn trực tiếp phụ trách quản lý, kiểm tra về vấn đề này. Nhưng hiện tại phòng chỉ có 1 phó phòng và 1 chuyên viên. Nhân lực chỉ có 2 người, trong khi hoạt động đánh bắt lại diễn ra ở phạm vi rộng.
 
Hơn nữa, một số loài thủy sản nằm trong danh mục cấm đánh bắt mùa sinh sản có sản lượng đánh bắt quá ít, chỉ vài chục con trong một mẻ lưới nặng từ vài tạ đến cả tấn. Thành thử, đơn vị dù muốn cũng không đủ nhân lực để đi kiểm tra, giám sát việc chấp hành những quy định về kích thước đánh bắt, thời gian cấm đánh bắt một số loài thủy sản... của chủ tàu”, ông Mười cho biết.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 

.