(Báo Quảng Ngãi)- Xác định kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, cùng với các cấp, ngành trong tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển KTTT. Nhờ đó, nhiều tổ hợp tác, HTX được thành lập mới, hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và lao động tại địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những chuyển biến tích cực
Trong nhiệm kỳ qua, khu vực KTTT của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số tổ hợp tác phát triển nhanh, nhiều HTX mới được thành lập, số HTX đi vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, dệt thổ cẩm... Trong đó có hàng trăm tổ, đội ngư dân đoàn kết trên biển đang khai thác hải sản, phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh nhận Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam tại Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020. |
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 249 HTX, với 313.567 thành viên, tăng 17% so với kế hoạch đề ra. Doanh thu trung bình của một HTX hơn 1,4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trung bình 70 triệu đồng/năm, đạt và vượt so với kế hoạch. Thu nhập bình quân từ lương của lao động làm việc thường xuyên trong HTX vào khoảng 30 triệu đồng/năm (tăng 20% so với kế hoạch tỉnh giao). Trong đó, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, đánh bắt thuỷ sản xa bờ có 191 HTX; giao thông vận tải có 12 HTX; thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có 33 HTX và 13 Quỹ tín dụng nhân dân đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân ở nhiều vùng nông thôn.
Các tổ hợp tác, HTX đã góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hộ gia đình phát triển, góp phần gia tăng sản lượng hàng hóa nông - lâm - thủy sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã tập trung thực hiện tốt các khâu dịch vụ “đầu vào” phục vụ sản xuất, mở rộng ngành nghề, cũng như tổ chức được dịch vụ “đầu ra” tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Một số HTX làm tốt công tác dồn điền đổi thửa. Qua đó, giúp các hộ thành viên thực hiện tốt cơ giới hoá, cải thiện năng suất cây trồng như HTX nông nghiệp Phổ An; một số HTX phát triển gắn với làng nghề như HTX Sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận, HTX Nông nghiệp Hành Thuận (sản xuất chổi đót - PV).
Sản xuất rau thủy canh tại HTX Nông nghiệp rau sạch Mầm Việt (Tư Nghĩa). |
Cùng với đó, nhiều HTX đã chú trọng đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, mở thêm các ngành nghề thương mại, dịch vụ phục vụ thiết thực cho lợi ích kinh tế thành viên và lợi ích cộng đồng. Điển hình như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ đưa máy ép dầu vào hoạt động phục vụ các thành viên; HTX Nông nghiệp Nghĩa Kỳ Đông và HTX Nông nghiệp Xuân Phú mở dịch vụ kinh doanh xăng dầu; các HTX phát triển theo mô hình HTX kiểu mới ngày càng năng động hơn với cơ chế thị trường, liên kết với các doanh nghiệp, tạo ra chuỗi giá trị như các HTX Nông nghiệp Phổ Minh, Phổ Văn, Hành Dũng...
Ngoài ra, những năm gần đây, nhiều HTX thành lập mới tuy có ít thành viên, nhưng có xu hướng phát triển chuyên canh, chế biến tiêu thụ sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị với đội ngũ cán bộ trẻ, nhiệt huyết làm đầu tàu, phát huy được thế mạnh tại địa phương, như HTX Nông nghiệp và Thương mại Hoà Phú Thịnh (chăn nuôi gà, vịt, cá...), HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ, HTX chăn nuôi thỏ...
Đối với các HTX phi nông nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh có tác động tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các địa phương; góp phần quan trọng trong việc khai thác các nguồn lực; giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho thành viên và phát triển kinh tế - xã hội.
Chú trọng nâng cao hiệu quả
Bên cạnh những kết quả đạt được đóng góp vào sự tăng trưởng chung của tỉnh, KTTT, HTX còn gặp những tồn tại, hạn chế. Nhiều HTX chưa thực sự phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của mình, chưa thể hiện đầy đủ vai trò, vị trí của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội. Lợi ích HTX đem lại cho thành viên chưa cao, vẫn còn một số HTX tồn tại mang tính hình thức, hoạt động chưa hiệu quả.
Đa số các HTX nông nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào, rất ít HTX tiêu thụ được nông sản cho thành viên và nông dân, sản xuất kinh doanh ít gắn với nhu cầu thị trường; chưa xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản thông qua hợp đồng kinh tế. Các HTX thương mại, vận tải, khai thác hải sản xa bờ gặp khó khăn về giao đất, cho thuê đất...
Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Hoà Phú Thịnh linh hoạt trong sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi giá trị. |
Trong nhiệm kỳ tới, để KTTT, nhất là HTX, tổ hợp tác khắc phục hạn chế, tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX, tư vấn về kinh doanh, thông tin thị trường; hỗ trợ HTX xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng bền vững. Đẩy mạnh các hoạt động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTT; cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT phù hợp, có tính khả thi.
Bên cạnh đó, mở rộng địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, hiệu quả; thành lập Quỹ tín dụng nhân dân ở nơi chưa có hoặc thiếu. Tạo điều kiện thuận lợi để HTX được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi và các nguồn vốn khác vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng các dịch vụ phục vụ kinh tế hộ thành viên.
Tập trung hướng dẫn củng cố, tổ chức lại HTX theo Luật HTX năm 2012 và tham gia phối hợp với các ngành đề xuất chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ phát triển KTTT, gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và các chương trình mục tiêu khác. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX thành lập mới gắn với chuỗi giá trị; củng cố phát triển và hỗ trợ các HTX có tính truyền thống, có quy mô thành viên lớn, gắn với nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện cho HTX mở rộng, phát triển các dịch vụ và liên kết sản xuất, kinh doanh... góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đề ra.
Động lực cho kinh tế phát triển
Tất cả sự đa dạng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX đã góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ khi tỉnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các HTX đã nhanh chóng “bắt nhịp”, chọn ra một sản phẩm đặc trưng của từng xã để tham gia. Qua đó, đã có nhiều sản phẩm được đưa ra trưng bày, quảng bá, tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của các địa phương.
|
Bài, ảnh: HỒNG HOA