(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đang dần hiện đại hạ tầng thương mại, tập trung kết nối tiêu thụ hàng hóa, liên kết vùng, miền; đồng thời, triển khai nhiều giải pháp cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh hàng hóa lành mạnh, phát triển bền vững.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhiều năm nay, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, với đa dạng loại hình, quy mô, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện tại, Quảng Ngãi có 145 chợ, quy mô từ hạng 1 - 3; có 8 siêu thị lớn và 8 siêu thị mini đang hoạt động; 1 trung tâm thương mại. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 29 siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, với tổng diện tích xây dựng khoảng 39.000m
2; 1 trung tâm hội chợ triển lãm tại phường Lê Hồng Phong, với diện tích quy hoạch 24.700m
2. Tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng thương mại đến năm 2020 khoảng 1.400 tỷ đồng; tổng nhu cầu sử dụng đất vào khoảng 174.000m
2.
Trung tâm thương mại Vincom Palaza tại TP.Quảng Ngãi. |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay, hoạt động dịch vụ phân phối, thương mại phát triển mạnh; hệ thống chợ truyền thống được đầu tư, nâng cấp, một số chợ được các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư, quản lý; một số siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại được đầu tư, đi vào hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó tạo ra giá trị của ngành thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, chất lượng.
Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 7,28%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đến năm 2020 ước đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, tăng bình quân 10,3%/năm. Hoạt động xuất, nhập khẩu có chuyển biến tích cực; năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với năm 2015.
Thời gian qua, Quảng Ngãi triển khai một số giải pháp mang tính đột phá để đưa ngành thương mại phát triển phù hợp với yêu cầu mới, cùng hội nhập và phát triển. Đó là kêu gọi liên kết doanh nghiệp, liên kết vùng miền, tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững. Không chờ doanh nghiệp trong nước đi ra nước ngoài tìm kiếm đối tác, hoặc đối tác từ nước ngoài đến tìm hiểu để tiêu thụ hàng hóa, mà tỉnh đã chủ động tổ chức một số hội nghị "kết nối cung cầu" tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Đặc biệt là mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu như dưa hấu, tỏi Lý Sơn. Một số sản phẩm địa phương đã nỗ lực đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đưa vào kênh phân phối lớn như siêu thị, trung tâm thương mại. Quảng Ngãi cũng đang tiếp tục triển khai các giải pháp để xóa bỏ dần sự lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu truyền thống (Trung Quốc), nhằm giảm thiểu rủi ro cho sản xuất nông nghiệp khi thị trường này bị ngưng trệ...
Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà cho biết: Qua 5 năm triển khai nhiều giải pháp phát triển, mang lại những kết quả nhất định, Quảng Ngãi tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025: Hiện đại, liên kết và cạnh tranh vùng, khu vực và cạnh tranh doanh nghiệp lành mạnh. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, hấp dẫn để khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển nhanh ngành thương mại, dịch vụ.
Cùng với đó là mở rộng phát triển dịch vụ phân phối; đầu tư phát triển mới các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini ở các khu đô thị; đầu tư, nâng cấp và đổi mới mô hình quản lý chợ truyền thống; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ để phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả; khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ đáp ứng sản xuất và đời sống của người dân.
Bài, ảnh: THANH HUYỀN