(Báo Quảng Ngãi)- Để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhiều địa phương đã thành lập đội thủy nông từ rất lâu. Công việc chính của họ là cùng người dân dẫn, điều tiết nước về các xứ đồng. Tuy không quá nặng nhọc, nhưng vai trò của họ trong sản xuất là rất quan trọng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gần 20 năm qua, ông Nguyễn Đình Văn, thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân (Mộ Đức) đã gắn với công việc điều tiết nước sản xuất ở địa phương. Ngần ấy thời gian, ông Văn luôn làm tốt công việc thường nhật của mình. Cứ mỗi lần nước Thạch Nham đổ về, cũng là lúc ông Văn cùng anh em trong đội thủy nông lại tất bật với công việc.
“Công việc thì không nặng nhọc, nhưng mình phải chịu khó. Hễ nước từ mương chính đổ về, mình phải “định hướng” cho nó chảy về đủ các mương nhỏ, rồi chảy về từng chân ruộng, để mọi người kịp gieo sạ”, ông Văn cho hay. Đội thủy nông của thôn Thạch Trụ Đông đã hình thành gần 20 năm qua và đến nay đã có hơn 10 thành viên tự nguyện tham gia điều tiết nước cho các xứ đồng ở đây.
Là thành viên của đội thủy nông, ông Nguyễn Đình Văn thường xuyên có mặt ở ngoài đồng để dọn rác, khơi thông các tuyến kênh mương. |
Là người phụ nữ duy nhất trong đội thủy nông ở thôn Phú Hòa, xã Trà Phú (Trà Bồng), nhưng bà Nguyễn Thị Hương luôn nhiệt tình với công việc dẫn nước về đồng cho người dân. Trà Phú được biết đến là địa phương chịu khô hạn khắc nghiệt nhất, nhì huyện Trà Bồng mỗi khi mùa khô kéo dài. Do đó, công việc dẫn nước của bà Hương và các thành viên trong đội thủy nông có phần vất vả hơn. Bà Hương cho hay: “Có ngày chúng tôi phải ở ngoài đồng lúc giữa trưa, hay khi chạng vạng tối để điều tiết nước về cho các cánh đồng. Nếu chúng tôi không theo dõi điều tiết, mạnh ai nấy giữ nước cho ruộng của mình thì, biết khi nào người khác mới có nước. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt hơn mọi năm, nên toàn thôn chỉ sạ được hơn 5/30ha”.
Đội thủy nông là những người thường xuyên túc trực ngoài đồng để khơi thông các con mương, điều tiết nước vào từng thửa ruộng, tránh tình trạng lãng phí nguồn nước trong quá trình sản xuất. Đến nay, hầu như các địa phương ở Tư Nghĩa, Trà Bồng, Mộ Đức... đều thành lập lực lượng này. Họ được địa phương và các cấp trả thù lao theo từng vụ sản xuất. Để phát huy tốt vai trò của đội thủy nông, các địa phương đã trích từ nhiều nguồn kinh phí, trong đó có kinh phí dự phòng của địa phương, để chi trả và khuyến khích tinh thần làm việc của họ.
Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung Nguyễn Đình Vinh cho biết: “Để đội thủy nông làm tốt công việc, chúng tôi đã bố trí các thành viên của hợp tác xã trực tiếp quản lý và phân công nhiệm vụ cho từng người. Theo đó, kinh phí hoạt động một phần được hỗ trợ từ các cấp, phần còn lại từ hợp tác xã. Đây là cách giúp các thành viên có trách nhiệm hơn với công việc”.
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU