Trồng rừng gỗ lớn: Khó đạt như kỳ vọng

09:05, 29/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch được phê duyệt, giai đoạn 2019 - 2020, Quảng Ngãi sẽ chuyển đổi 428ha rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, nhưng đến nay mới chuyển được 1/3 diện tích. Vì thế, mục tiêu chuyển đổi khó đạt như kỳ vọng.
Nhiều chủ rừng không mặn mà
 
Ông Phạm Trung Trường, xã Bình An (Bình Sơn), từng được mệnh danh là “vua rừng” một thời. Mặc dù hiện nay, diện tích rừng trồng của ông đã giảm đi nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn. Nếu ông Trường tham gia vào dự án (DA) chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn sẽ rất hiệu quả. Vì vậy, ngành kiểm lâm tỉnh đã vận động chủ rừng tham gia DA và ông Trường cũng đã đồng ý chuyển đổi 20ha sang trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những cơn bão vào cuối năm 2019 khiến cho nhiều diện tích rừng của ông bị ngã đổ, gây thiệt hại về kinh tế. Trước những khó khăn trên, ông Trường đã xin rút, không tiếp tục tham gia. 
 
Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại huyện Mộ Đức.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn tại huyện Mộ Đức.
Ông Trường chia sẻ: “Tôi cũng muốn tham gia DA chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, để nâng cao chất lượng rừng trồng, mang lại giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, tình hình thời tiết ngày càng cực đoan, rừng trồng thường xuyên bị ngã đổ, nên tôi không dám mạo hiểm nữa. Bởi thực tế, cơn bão năm 2009 đã làm ngã đổ hàng trăm hecta rừng đến kỳ thu hoạch, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, khiến tôi nợ ngân hàng nhiều năm liền không trả nổi”.
 
Còn với ông Phạm Trung Việt, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), sau khi khảo sát, ông Việt có 30ha rừng đủ điều kiện để tham gia chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc với gia đình và rút kinh nghiệm từ những thiệt hại do bão gây ra trước đó, ông Việt quyết định chỉ tham gia chuyển đổi 6ha sang rừng gỗ lớn, diện tích còn lại, gia đình ông vẫn trồng và khai thác theo chu kỳ 5 năm như trước.
 
Trường hợp của ông Trường, ông Việt không phải là ngoại lệ, vì trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều chủ rừng dù đã thực hiện khảo sát và đồng ý tham gia, nhưng cuối cùng lại rút lui.
 
Khó đạt như kỳ vọng
 
Nhằm tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng trồng sản xuất, để nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 56/2017 về chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, đến tháng 9.2019, DA mới được phê duyệt đầu tư thực hiện chuyển hóa 428ha, trồng 70 nghìn cây phân tán là cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Để DA được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo kế hoạch được giao, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiến hành rà soát và vận động các chủ rừng có diện tích rừng lớn tham gia DA. Song, trong thời gian thực hiện, xảy ra nắng nóng, cũng như ảnh hưởng từ các cơn bão vào cuối năm 2019 đã làm cho nhiều diện tích rừng ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức và TX.Đức Phổ bị đổ ngã, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng rừng.
 
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết: “Kế hoạch năm 2019 trồng 230ha, nhưng mới chỉ thực hiện được 101ha. Diện tích còn lại khá lớn, trong khi nhiều hộ dân lại xin rút khỏi DA, nên mục tiêu này sẽ khó đạt”.
 
Nguyên nhân khiến các chủ rừng từ chối tham gia DA là do thời gian quá dài (10 năm), nhưng mức hỗ trợ quá thấp (1 triệu đồng/ha/năm). Mặt khác, khi chuyển hóa bắt buộc các chủ rừng phải chặt bỏ bớt để phù hợp với mật độ quy định. Song, việc khai thác theo kiểu “cắt tỉa” này sẽ tốn nhiều công khai thác, vận chuyển; đồng thời dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng và đổ ngã khi đến mùa mưa bão... nên không thu hút các chủ rừng tham gia. Theo ông Đại, để thực hiện DA trồng rừng gỗ lớn, tỉnh cần xây dựng lại mức hỗ trợ. Theo đó, thay vì hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm trong thời gian 5 năm, thì có thể hỗ trợ 2 triệu đồng/ha/năm vào năm thứ 6 và 7, để chủ rừng có động lực tham gia.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.