(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, các cấp Hội LHPN ở huyện Nghĩa Hành đã triển khai, xây dựng tổ hợp tác, nhóm hộ trồng rau an toàn để liên kết, hỗ trợ hội viên, phụ nữ nâng cao thu nhập.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thoát nghèo nhờ rau sạch
Nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, đất đai của các cấp hội phụ nữ, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn ngày càng phát triển, cho năng suất cao, góp phần cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn.
Năm 2018, Hội LHPN xã Hành Phước thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn, với sự tham gia của 2 hộ nghèo ở địa phương. Khi tham gia vào tổ hợp tác, các hội viên không chỉ được tập huấn kiến thức trồng rau mà còn được Hội LHPN xã hỗ trợ đất, đầu tư hệ thống nước tưới tiêu.
Thành viên Tổ hợp tác trồng rau an toàn xã Hành Phước (Nghĩa Hành) thu hoạch rau sạch. |
Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Phước Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết: Với mong muốn nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, Hội LHPN xã đã thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn, hỗ trợ 1.500m2 đất thuộc quỹ đất của địa phương để hội viên, phụ nữ canh tác rau sạch. Khu đất mà tổ hợp tác trồng rau canh tác được Hội đào giếng, đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại, béc phun tự động và làm tường rào kiên cố với chi phí gần 100 triệu đồng.
Sau gần 3 năm tham gia trồng rau trong tổ hợp tác, các hội viên đã nắm thuần thục các bước trồng rau an toàn. Nhờ tham gia vào tổ hợp tác mà đến nay đã có một hộ thoát khỏi diện nghèo, thu nhập của hội viên, phụ nữ được cải thiện đáng kể.
Bà Phạm Thị Phương, ở thôn Hòa Thọ, thành viên của Tổ hợp tác trồng rau an toàn xã Hành Phước cho biết: "Gia đình tôi chỉ có một sào đất vườn, nhưng nằm ở vùng dễ ngập lụt nên không canh tác rau màu được. Nhờ Hội LHPN xã tạo điều kiện hỗ trợ đất, tập huấn kỹ thuật mà tôi biết trồng nhiều loại rau. Rau sản xuất theo hướng an toàn nên người tiêu dùng, các hàng quán rất ưa chuộng. Nhờ vườn rau này, mỗi ngày tôi có thêm thu nhập hơn 150.000 đồng".
Nhân rộng mô hình
Mô hình trồng rau an toàn cũng được Hội LHPN xã Hành Thiện triển khai cho hội viên, phụ nữ vào năm 2019. Hội đã mở lớp tập huấn cách trồng rau an toàn trong 3 tháng và thu hút nhiều người tham gia. Qua lớp học đã góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ trong việc sản xuất rau sạch và bổ sung kiến thức để canh tác hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.
Đến nay, mô hình trồng rau an toàn được nhiều hội viên, phụ nữ ở xã Hành Thiện triển khai, trong đó có 5 hộ mạnh dạn trồng rau quanh năm và mở rộng diện tích từ 3 - 5 sào, với nhiều loại rau có giá trị kinh tế như ngò gai, nấm rơm...
Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Thiện Trần Thị Kim Chi cho biết: Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn, hội viên, phụ nữ có kiến thức để nhân rộng mô hình này hơn, giúp cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ tập trung, liên kết sản xuất, đã giúp việc tiêu thụ rau dễ dàng hơn, thương lái đến tận nơi thu mua.
Với những hiệu quả mà mô hình, tổ hợp tác trồng rau an toàn mang lại, trong thời gian đến, Hội LHPN huyện Nghĩa Hành tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ hội viên, các cấp hội phụ nữ trong huyện xây dựng nhiều mô hình trồng rau an toàn.
Hướng đi triển vọng
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghĩa Hành Võ Thị Anh Trâm, nhu cầu sử dụng rau sạch trên thị trường hiện rất lớn, nên mô hình trồng rau an toàn có nhiều triển vọng, góp phần nâng cao thu nhập cho phụ nữ. Hiện nay, Hội LHPN huyện đã xây dựng đề án phát triển rau an toàn ở các cơ sở hội, tiến đến việc liên kết bao tiêu sản phẩm cho hội viên.
|
Bài, ảnh: H.THU