Dấu ấn người Quảng ở chợ vải ký trên đất Sài Gòn

09:05, 31/05/2020
.
(Baoquangngai.vn)-  Đường Phú Thọ Hòa, thuộc phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú) có tên gọi là chợ bán vải ký, vải vụn, vải “xì tốc”- loại vải phế phẩm từ các công ty, xí nghiệp may, dệt trong nước và ngoại nhập. Tiếng tăm của con đường ở nơi đất khách quê người có một sự đóng góp không nhỏ của người Quảng Ngãi tha phương vào đây lập nghiệp.
 
Nói là chợ nhưng thật ra đây là một con đường mà hầu hết các hộ dân đều có “ki- ốt” kinh doanh vải, nằm san sát nhau.
 
Tiếng tăm một con đường
 
Theo lời một người quen giới thiệu, tôi tìm đến con đường này trong một ngày hè oi bức. Sài Gòn mùa này sáng nắng, chiều mưa. Mưa lớt phớt nhưng nắng thì luôn ở mức cao. 
 
Vải vóc nhìn quanh đâu cũng thấy. Sầm uất. Nhộn nhịp. Là chợ nhưng chẳng có tiếng rao, tiếng chào mời nào mà các "ki- ốt" vẫn tấp nập những chuyến xe ra vào.
 
Từ đầu đường Phú Thọ Hòa đã cảm nhận có một cái gì đó rất gần gũi, thân quen. Từ sự mộc mạc, cần mẫn, chịu thương, chịu khó cho đến cái chất giọng, dù có “lơ lớ” thế nào cũng không khó để nhận ra của người Quảng Ngãi quê mình nếu gặp đồng hương.
 
“Ở đây có rất nhiều người Quảng Ngãi kinh doanh, buôn bán, làm chủ cho đến làm thuê. Hơn nửa con đường Phú Thọ Hòa là người Quảng Ngãi ở đấy chị”, anh Nguyễn Hải Duy, 32 tuổi, một người kinh doanh vải ở đầu đường bật mí.
 
Một góc con đường vải ký Phú Thọ Hòa.
Một góc con đường vải ký Phú Thọ Hòa.
 
Nghề kinh doanh vải ở phường Phú Thọ Hòa tập trung phần lớn ở đường Phú Thọ Hòa, Lê Văn Phan và phần nhỏ ở đường Lê Cảnh Tuân. Theo thông tin hộ khẩu thường trú từ phường, có 31 hộ người Quảng Ngãi đang hoạt động kinh doanh trên tuyến đường này.
 
Anh Nguyễn Minh Thiện, 44 tuổi, quê ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, cho biết, chợ vải ở đây ở rất nhiều loại, sỉ và lẻ “cân tất”, với nhiều chất liệu khác nhau từ cotton, thun, nỉ, kate, von... Và dù loại vải nào cũng phải cân ký để bán nên nhiều người mới gọi đây là chợ vải cân.
 
Nhiều người còn ưu ái đặt cho nơi này là chợ vải vụn, chợ vải “xì tốc”.  Bởi các hộ tiểu thương thường tìm đến các xí nghiệp, công ty may trong nước, lấy hàng tồn kho, vải vụn, vải rẻo về phân loại, bán lại.
 
Những tấm vải có kích thước lớn hơn, màu sắc hợp "mốt" được bán cho những cơ sở may gia công quần áo. Những mảnh vụn nhỏ hơn được bán mua về lau máy móc, làm thú nhồi bông, thảm...
 
Giá vải cũng khác nhau, tùy theo kích thước và chất lượng, nhưng cũng “khá mềm”. Từ vài nghìn đồng một ký đối với các loại vải vụn cho đến khoảng 50-70 nghìn đồng một ký đối với các loại vải có thể dùng may lại quần áo cho đến các loại vải ký có kích thước, chất lượng cao hơn, giá trị lên đến vài trăm nghìn.
 
"Dĩ nhiên là ở con đường này không thể thiếu các loại vải chất lượng cao cấp. Giới sành điệu cũng không bỏ qua các chất liệu được nhập khẩu từ nước ngoài và vải cao cấp sản xuất ở Việt Nam", anh Thiện nói.
 
Tất cả các loại vải ở đây đều được cân ký để bán.
Tất cả các loại vải ở đây đều được cân ký để bán. Giá cả tùy thuộc vào kích thước và chất lượng.
 
"Phất" lên từ nghề
 
Nhớ về cái thuở ban đầu rời miền Trung để Nam tiến, ông Phan Tấn Châu, quê ở xã Nghĩa Phú, TP. Quảng Ngãi cho hay, nghề kinh doanh vải “xì tốc” xuất hiện từ những năm 1997 thì ông là một trong những người Quảng Ngãi đầu tiên tìm đến để mưu sinh, sau khi chuyển từ nghề chạy xe ôm qua. 
 
Năm nay 80 tuổi thì đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. "Ngày đó, con đường này vắng vẻ chứ không đông đúc như bây giờ. Ban đầu vài hộ, sau dần lên hơn 100 hộ như bây giờ, nhưng trước đây thì kinh doanh thịnh hơn", ông nói.
 
“Buôn có bạn, bán có phường”, đó là chân lý hiển nhiên từ bao đời nay của các ngành nghề buôn bán. Sau này, khi làm ăn khấm khá, những người như ông Châu dẫn dắt con cháu, họ hàng vào mưu sinh và dần dà hình thành một con đường rất đông người Quảng mưu sinh, kinh doanh, bên cạnh người dân tứ xứ.
 
Và điều đáng mừng hôm nay, cái nghề này kinh doanh vải đã giúp gia đình ông, con cháu, họ hàng "phất lên", nuôi con ăn học. Đa phần "bọn trẻ" trong nhà cũng quay lại để duy trì "truyền thống" kinh doanh của gia đình.
 
Rồi ông kể tiếp, nhà đất ở con đường này có thời điểm "sốt nhất" ở quận Tân Phú. Cách đây vài năm chỉ có khoảng vài tỷ thì nay lên hơn 10 tỷ một căn. Ông Châu không khỏi tự hào khi các con ông nay đều đã có nhà cửa ổn định ở nơi này. 
 
"Đấy là nhờ vào nghề này hết. Không chỉ tôi và gia đình mà hầu hết những người Quảng Ngãi theo nghề này đều có một cuộc sống không quá giàu sang nhưng cũng tương đối sung túc ở nơi đất khách quê người", ông nói.
 
Ông Châu- một hộ kinh doanh quê Quảng Ngãi là một trong những thế hệ đầu tiên đến chợ kinh doanh, buôn bán.
Ông Châu- một hộ kinh doanh quê Quảng Ngãi là một trong những thế hệ đầu tiên đến chợ kinh doanh, buôn bán.
 
Thế nhưng, ngoài những thành quả có được, kèm theo đó là bao nỗi vất vả, cực nhọc, bon chen nơi xứ người và cả nguy cơ về sức khỏe, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
 
Nghề này phụ thuộc vào hoạt động của các công ty, xí nghiệp sản xuất vải, may gia công lớn. Có tháng, có hộ nhập về bán vài chục tấn nhưng có tháng cũng chỉ hơn 1 tấn, thậm chí là có tháng chỉ khoảng trăm ký đổ lại, thậm chí không có hàng để bán.
 
Muốn kinh doanh có lời, các hộ tiểu thương cũng phải có mối quan hệ mới tiếp cận được các nguồn hàng có giá cả và chất lượng. Còn nếu không thì hàng hóa tồn kho quanh năm. Trong khi đó, thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng ngày càng cao. 
 
Theo Chủ tịch UBND phường Phú Thọ Hòa Trần Trí Trân Trác: “Các hộ kinh doanh nói chung và người dân Quảng Ngãi nói riêng đã có đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội địa phương khi hoạt động kinh doanh đúng quy định. Các hộ cũng đóng thuế đầy đủ, đúng thời hạn hỗ trợ cho việc thu ngân sách hàng năm, góp phần phát triển kinh tế của phường, quận...”.
 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.