Giải pháp phục hồi nền kinh tế

10:04, 12/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, dịch Covid-19 có xu hướng gia tăng lây lan ngoài cộng đồng, trong đó có một số ca chưa xác định được nguồn lây (bệnh nhân số 251, ở tỉnh Hà Nam, vừa công bố sáng 8.4). Song, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự chung tay của các tầng lớp nhân dân, chúng ta tin rằng sẽ chiến thắng được đại dịch này.
Vì vậy, ngay từ lúc này, cùng với việc chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tham mưu, xây dựng các giải pháp để phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Điều này thể hiện sự chủ động, quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng và Nhà nước đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội; trong đó xác định 2 trụ cột giữ vai trò quan trọng là sự tồn tại, phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và vấn đề an sinh xã hội.
 
Có thể khẳng định, đại dịch Covid-19 được coi là một phép thử có chất lượng đối với nền kinh tế cả nước nói chung và của Quảng Ngãi nói riêng. Thực tế cho thấy, chỉ mới hơn 3 tháng đối mặt với dịch, nhưng tất cả các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đều gặp rất nhiều khó khăn. Đây là thực trạng chung của cả nước, nhưng với hơn 70% người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, ngành công nghiệp địa phương chậm phát triển như Quảng Ngãi thì sẽ khó khăn gấp bội. 
 
Các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch; sản xuất công nghiệp, xuất khẩu... được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh trong năm 2020; trong đó có nguồn thu từ kinh doanh bất động sản, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ hoạt động cầm chừng, một số lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động. Còn người dân khu vực nông thôn, miền núi, ven biển, hải đảo, nhiều sản phẩm làm ra không bán được, hoặc bán với giá thấp so với mọi năm; trong khi không có việc để làm thêm, nên nếu dịch bệnh kéo dài thì đây sẽ là những trường hợp bị tổn thương nặng nhất.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, Covid-19 là đại dịch toàn cầu, nên kinh tế thế giới đều bị ảnh hưởng, không riêng gì Việt Nam. Do đó, đây vừa là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho các nước vượt qua khó khăn nếu biết chớp lấy thời cơ sau khi dịch kết thúc. 
 
Theo đó, giải pháp được ưu tiên thực hiện hàng đầu là cần “Kích cầu đầu tư”, nhưng phải được thực hiện song hành với chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, thắt chặt chi tiêu xã hội; cắt giảm hoặc kéo dài thời gian thực hiện một số dự án đầu tư công chưa thật sự cần thiết; tận dụng tối đa các nguồn lực trong xã hội để tập trung đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt, tạo nền tảng để nền kinh tế sớm phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong thời gian đến. Hỗ trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu, giải quyết việc làm cho  nhiều lao động, qua đó tạo được nguồn thu cho ngân sách và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Vấn đề này cũng được Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở: KH&ĐT, LĐ-TB&XH và Tài chính tham mưu cho tỉnh và hoàn thành trước ngày 15.4.
 
ĐỨC NGUYỄN
 

.