(Báo Quảng Ngãi)- Cát là thành phần chính phục vụ thi công các công trình xây dựng. Tuy nhiên, nếu nguồn cát không đảm bảo chất lượng, nhất là cát có độ nhiễm mặn lớn sẽ gây nguy hại cho các công trình xây dựng, thậm chí gây sập đổ sau thời gian sử dụng. Do đó, việc lựa chọn nguồn cát tốt để xây dựng nhà ở, công trình công cộng là điều rất cần thiết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cát nhiễm mặn làm “hại” công trình
Theo anh T.H.B, kỹ sư xây dựng, cát là thành phần chính của bê tông, vữa nên nếu sử dụng những loại cát bẩn, sẽ làm cho nhiều công trình xây dựng, nhà dân bị hư hại, xuống cấp nhanh chóng. Vì vậy, cát nhiễm mặn là loại vật liệu không đủ điều kiện để dùng trong xây dựng.
Nguồn cát được khai thác tại khu vực cửa biển Cửa Đại có độ nhiễm mặn lớn, không đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng. |
Theo quy định, tiêu chuẩn hàm lượng clorua trong cát xây dựng của TCVN 7570:2006 đối với cát dùng trong kết cấu bê tông cốt thép và vữa thông thường phải dưới 0,05%. Nếu cát được khai thác khu vực nhiễm mặn, gần cửa biển (đoạn gần cửa biển Cửa Đại) khi pha trộn để làm bê tông, hoặc hồ để xây trát sẽ khiến tường bị ố đỏ, bị nổ, chảy nước vàng, nhìn bên ngoài thấy nứt như tổ chim. Lâu ngày sơn tường sẽ bị nước mặn “ăn” bong tróc, gạch bị ăn mòn.
“Đối với bê tông bảo vệ cốt thép bằng độ dày lớp bê tông và môi trường kiềm bao quanh cốt thép. Lớp bê tông bảo vệ sẽ hạn chế việc thấm nước, ngăn cản sự khuếch tán của các tác nhân ăn mòn. Nhưng khi sử dụng cát nhiễm mặn có chứa nhiều ion clorua hơn so với cát ngọt, sẽ phá vỡ môi trường kiềm bảo vệ quanh cốt thép, gây ăn mòn. Điều này rất tai hại, bởi sự ăn mòn cốt thép trong bê tông làm giảm tiết diện ngang của thép, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực.
Về lâu dài, còn tạo thành các vết nứt và bong tróc trên bề mặt bê tông do sự tích tụ gỉ sét quanh cốt thép gây ra. Khi bị nứt, quá trình ăn mòn càng tăng nhanh, vì lúc đó hiệu quả bảo vệ của lớp bê tông không còn nữa. Điều này sẽ khiến công trình bị hư hại, có thể sụp đổ”, kỹ sư T.H.B nói.
“Công trình sử dụng cát có độ nhiễm mặn vượt ngưỡng 0,05% clorua nhất định sẽ không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn cát hiện nay rất khó, bởi những đối tượng khai thác cát nhiễm mặn bán cho người dân thường làm lén lút. Chỉ có các công trình sử dụng vốn ngân sách, việc kiểm tra chất lượng nguồn cát mới được giám sát một cách chặt chẽ”.
Một cán bộ của Sở Xây dựng
|
Khó kiểm soát
Việc sử dụng cát trong xây dựng hiện nay là rất lớn, ngoài các mỏ cát đảm bảo chất lượng được doanh nghiệp khai thác bán ra thị trường, vẫn còn nguồn cát khai thác bất hợp pháp, nhất là cát được khai thác đoạn dưới cầu Cửa Đại từ các ghe thuyền nhỏ rồi tập kết vào bờ. Sau đó, nguồn cát này được đưa lên các xe tải chở đi tiêu thụ. Thế nên, để biết nguồn cát trên có đảm bảo chất lượng hay không là không dễ dàng, nhất là với người dân xây dựng nhà ở cá nhân.
Thực tế cho thấy, người dân trên địa bàn TP.Quảng Ngãi hiện nay khi tiến hành xây dựng nhà ở đều mua cát thông qua các đại lý, tài xế, nhà thầu xây dựng, nên việc kiểm soát nguồn cát đầu vào chỉ dựa trên... sự tin tưởng là chính.
Thông thường, cát sử dụng cho mục đích xây dựng thường được khai thác ở lòng sông, suối. Thành phần chính gồm đá và những khoáng chất nhỏ và mịn. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều loại cát, nhưng phổ biến chính là silica. Loại cát này có khả năng chống chịu phong hóa khá tốt, vì nó có độ trơ về tính hóa học và độ cứng cũng rất cao. Tuy nhiên, để giám sát nguồn cát đầu vào có đảm bảo chất lượng hay không vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải.
Theo một cán bộ Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có một đơn vị có thiết bị đo độ mặn trong cát phục vụ công trình xây dựng. Chi phí cho một lần thí nghiệm từ 1,3 - 1,5 triệu đồng. Về chất lượng nguồn cát khai thác trên các sông trên địa bàn tỉnh thì cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng. Tuy nhiên, đối với cát khai thác ở các khu vực quá gần cửa biển, cửa sông, sau đó phối trộn vào cát ngọt theo tỷ lệ khác nhau để bán phục vụ xây dựng sẽ gây nguy hại cho công trình.
Bài, ảnh: PV