(Báo Quảng Ngãi)- Quy mô sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu tính kết nối, là một trong những khó khăn trong quá trình phát triển sản phẩm sau bảo hộ. Tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương, cơ sở sản xuất và nông dân đã quyết tâm gỡ khó, giúp sản phẩm bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận.
Các “nhà” tích cực vào cuộc
Mới đây, các Hợp tác xã nông nghiệp Bình Dương (Bình Sơn), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) lần lượt thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Ớt Bình Dương - Bình Sơn”, “Rau diếp cá Tịnh Châu”. Trước đó, huyện Nghĩa Hành cũng đã hoàn thành hồ sơ, gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 4 mặt hàng trái cây là: Bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm và chuối ngự.
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị trên cũng tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân biết, hiểu rõ vai trò, lợi ích của việc đăng ký, bảo hộ sản phẩm. Đồng thời chủ động thiết lập các chương trình, website quảng bá hình ảnh, mẫu mã sản phẩm; nghiên cứu tem, lôgô dán trên sản phẩm theo chuẩn... nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết hình ảnh thương hiệu sản phẩm sau bảo hộ.
Việc đề nghị công nhận nhãn hiệu tập thể giúp ớt Bình Dương nâng cao giá trị cạnh tranh. |
Như huyện Nghĩa Hành, không chỉ ưu tiên bố trí các nguồn lực để hỗ trợ vốn đầu tư cải tạo vườn, thông tin, giá cả thị trường... mà các ngành, địa phương và đơn vị chuyên môn còn tích cực nghiên cứu, chuyển giao quy trình trồng và chăm sóc, địa chỉ cung ứng nguồn cây giống đảm bảo chất lượng... cho người dân.
“Chúng tôi cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các các đơn vị chức năng, nhất là lực lượng công an, quản lý thị trường để kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng “mượn” thương hiệu trái cây Nghĩa Hành. Đây chính là cách hỗ trợ thiết thực cho sản phẩm sau bảo hộ”, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nghĩa Hành Cao Minh Hùng cho biết.
Cùng với đó, chính quyền và người dân cũng phát huy nội lực theo tinh thần “tự thân vận động”, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút khách hàng, ổn định đầu ra. Như sản phẩm ớt Bình Dương, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, nên vào chính vụ, ớt thường rơi vào cảnh “được mùa rớt giá”. Vì vậy, song song với việc tìm kiếm thị trường mới, chính quyền địa phương cũng tích cực, chủ động kết nối, liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết. Theo Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đỗ Minh Huấn, thì việc liên kết với doanh nghiệp không chỉ giúp nông dân tiếp cận và sử dụng các giống ớt chất lượng, kỹ thuật trồng và chăm sóc tiên tiến, mà còn yên tâm về khâu tiêu thụ.
Phát huy vai trò của “nhà trung gian”
Cùng với lợi thế về hành lang pháp lý, thị trường tiêu thụ, thì sau bảo hộ, các đơn vị chủ quản sẽ phải đối mặt với một số khó khăn. Nhất là việc quản lý các cơ sở được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể, sao cho sản phẩm phải được sản xuất theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng. Bởi đã từng xảy ra tình trạng lợi dụng nhãn hiệu tập thể, để sản xuất và cung ứng ra thị trường những sản phẩm “giá cao, chất lượng thấp”.
Khắc phục tình trạng trên, các địa phương, đơn vị cho rằng, sau bảo hộ sản phẩm, cần thiết phải có những “nhà trung gian”, chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể. Việc kiểm soát phải được thực hiện chặt chẽ từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói, đến dán nhãn mác, trước khi cung ứng sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, những “nhà trung gian” cũng sẽ giúp nông dân định hướng sản xuất, qua việc cung cấp những thông tin về nhu cầu thị trường, giá cả sản phẩm; đồng thời chia sẻ khó khăn với người sản xuất trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý những người dân, cơ sở vi phạm quy trình sản xuất, sau khi sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể. “Ngoài việc đưa ra khỏi danh sách được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể, cần công khai những cơ sở, hộ vi phạm trên các kênh thông tin đại chúng, để người tiêu dùng biết”, Chủ tịch UBND xã Bình Dương Đỗ Minh Huấn đề xuất.
Bài, ảnh: MỸ HOA