(Baoquangngai.vn)-
Vào mùa ốc gạo, sau vài giờ ra khơi, mỗi ghe của ngư dân ở vùng bãi ngang ven biển huyện Mộ Đức có thể cào được hàng tạ ốc, thu về tiền triệu mỗi ngày.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kiếm tiền triệu mỗi ngày
Đến hẹn lại lên, thời điểm này đang vào thời gian cao điểm của mùa ốc gạo (ốc ruốc) nên những ngày này, hàng chục ngư dân ở xã bãi ngang ven biển huyện Mộ Đức nói chung và xã Đức Minh nói riêng tranh thủ ra biển cào ốc để kiếm thêm thu nhập.
Khác với các nghề biển khác, ngư dân hành nghề cào ốc không cần phải di chuyển quá xa bờ, chỉ đưa ghe ra cách bờ khoảng 500m là đã có thể “săn” được ốc. Phương tiện đánh bắt cũng khá đơn giản, chỉ với chiếc ghe nan có gắn động cơ máy, cùng dụng cụ bắt ốc là cây sào sắt dài, một đầu gắn vợt để cào xuống cát.
Người dân bãi ngang ví ốc gạo như lộc biển ban tặng |
Năm nay, ốc gạo xuất hiện nhiều, giá lại cao nên niềm vui, phấn khởi hiện rõ trên từng khuôn mặt rám nắng của những ngư dân miền biển.
“Chúng tôi bắt đầu đi cào ốc từ lúc 3-4 giờ sáng, đến gần trưa thì vào, tập kết ốc trên bờ để bán cho thương lái. Năm nay, ốc gạo xuất hiện nhiều nên ghe nào mỗi chuyến ra biển cào ốc cũng trúng vài tạ ốc. Ốc xuất hiện nhiều, giá bán cũng ổn nên ngư dân rất chúng tôi phấn khởi lắm”, ngư dân Nguyễn Xinh ở xã Đức Minh vừa chuyển ốc trên ghe vào bờ vừa cho biết.
Ốc gạo rất được thị trường ưa chuộng nên ngư dân khai thác được bao nhiêu đều được thương lái cũng mua hết. Đồng thời, việc cào ốc chủ yếu dùng sức, không phải bỏ ra kinh phí để sắm sửa ngư cụ nên thu nhập từ nghề này rất cao. Chính vì vậy, vào mùa ốc hàng chục ngư dân chuyển từ nghề lưới, nghề câu sang cào ốc vì có nguồn thu nhập từ ốc cao hơn.
Sau nhiều giờ mưu sinh trên biển các ngư dân cho ghe cập bến mang ốc bán cho thương lái |
Chị em phụ nữ ra biển phụ chồng vận chuyển ốc lên bờ |
Hiện vùng bãi ngang ven biển xã Đức Minh có khoảng hơn 50 hộ ngư dân hành nghề cào ốc. Theo bà con ngư dân, bình quân mỗi chuyến cào ốc, mỗi ghe thu về từ 5-6 tạ ốc. Hiện tại, thương lái thu mua với giá giao động từ 1,5 triệu đồng- 2,2 triệu đồng/tạ, tùy theo loại ốc lớn, nhỏ. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi ngư dân cũng có có thể kiếm được từ 2- 4 triệu đồng/ngày từ công việc cào ốc gạo.
Ông Huỳnh Thanh Tịnh- một thương lái thu mua ốc cho biết, trung bình mỗi ngày ông thu mua được khoảng 3 tấn ốc. Toàn bộ ốc thu mua được sẽ được vận chuyển đi TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận để tiêu thụ.
Nghề lắm nhọc nhằn
Với nguồn thu nhập cao, đồ nghề hành nghề đơn giản, thoạt nhìn vào thấy nghề này có vẻ đơn giản nhưng thực chất đi sâu vào tìm hiểu mới thấy nghề này rất vất vả. “Nghề cào ốc được ngư dân chúng tôi ví là như nghề lọc cát để lấy ốc nên muốn bám trụ với nghề này phải có sức khỏe dẻo dai”- ông Trần Văn Tư- ngư dân ở xã Đức Minh cho biết.
Theo ông Tư, muốn cào được nhiều ốc ông phải cắm cây vợt cào bằng sắt nặng cả chục ký xuống sâu trong lớp cát, sau đó ghìm chặt cần vợt trên vai rồi kéo lê dưới đáy biển. Khi nào thấy nặng tay tức là ốc đã đầy thì nhấc cái vợt cào lên để đưa ốc lên ghe cho vào bao. Công việc này lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt mấy tiếng đồng hồ trên biển nên rất nặng nhọc, ai không đủ sức khỏe là sẽ không làm nổi.
Vì công việc này khá nặng nhọc nên thông thường mỗi ghe hành nghề cào ốc thường có từ 3- 4 ngư dân để thay phiên nhau cào ốc và phụ kéo ốc từ dưới biển lên ghe.
Chiếc vợt cào ốc có cần vợt dài hơn chục mét và nặng cả chục ký |
Ốc gạo xuất hiện ở nhiều vùng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tuy nhiên nhiều nhất vẫn là ở xã Đức Minh (Mộ Đức). Mùa ốc gạo thường bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng 4 (Âm lịch). Tuy công việc cào ốc vất vả nhưng bù lại bà con có nguồn thu nhập hấp dẫn, nên dù khó nhọc bao nhiêu ngư dân cũng hối hả, tranh thủ từng ngày ra biển mưu sinh. Họ coi như đây là lộc biển, mỗi năm chỉ được một mùa thôi.
“Với ngư dân bãi ngang ven biển chúng tôi, đây là nghề làm một mùa, ăn cả năm. Kết thúc mùa ốc gạo, mỗi ngư dân có thể kiếm được từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Nhờ nguồn lợi ốc gạo mà bà con ngư dân chúng tôi có nguồn thu nhập khá để trang trải cuộc sống, sắm sửa trong gia đình và nuôi dạy con cái ăn học”- ngư dân Huỳnh Thanh Phú phấn khởi chia sẻ.
NGỌC QUỐC