(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều hộ dân được đưa ra khỏi diện hộ nghèo, nhưng thực tế cuộc sống của họ vẫn còn khó khăn. Chính vì vậy, chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, giúp các hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế bền vững hơn.
Khi chính sách đến đúng đối tượng
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hương, ở thôn Liên Trì Đông, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) là hộ cận nghèo. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH đầu tư chăn nuôi bò và làm vườn ươm keo giống, đã giúp gia đình chị thoát nghèo. Tuy nhiên, sau đó gia đình chị Hương cũng như nhiều hộ mới thoát nghèo khác đứng trước khó khăn về vốn để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, dẫn đến nguy cơ tái nghèo rất cao. Nhằm tiếp tục đồng hành cùng với hộ mới thoát nghèo, Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cho chị Hương vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo.
Từ nguồn vốn vay dành cho hộ mới thoát nghèo, chị Nguyễn Thị Hương, ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) đã có điều kiện đầu tư làm vườn ươm. |
Nhờ khoản vốn này, gia đình chị Hương cùng các thành viên trong gia đình tính toán phát triển, mở rộng vườn ươm và mua thêm bò sinh sản về nuôi. Trung bình mỗi năm chị Hương xuất ra thị trường khoảng 1 triệu cây giống, đem lại nguồn thu lớn cho gia đình. “Nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước đã giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững, có tiền lo cho các con học hành và nâng cao chất lượng cuộc sống”, chị Hương bày tỏ.
Ở xã Bình Hiệp hiện có hàng trăm hộ mới thoát nghèo khác đã và đang được tiếp cận với nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế gia đình. Điều này được thể hiện rõ qua dư nợ của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã đạt gần 7,4 tỷ đồng, với 172 hộ còn dư nợ, chiếm hơn 40%/tổng dư nợ các chương trình.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Hiệp Mai Thị Nha Trang, để hoạt động vay vốn được hiệu quả, giải ngân đúng đối tượng, các tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội LHPN xã đã thực hiện bình xét hộ vay công khai, dân chủ, có sự giám sát của chính quyền; hướng dẫn hộ vay hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để ngân hàng giải ngân, không để đọng vốn. Nhờ thực hiện giám sát, đôn đốc thu nợ tốt, nên đến nay không có tình trạng nợ quá hạn.
Đến cuối tháng 2.2020, dư nợ của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo trên toàn tỉnh hơn 462 tỷ đồng, với trên 11.260 hộ còn dư nợ. Mức vay đối với chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã được nâng lên 100 triệu đồng/hộ, tạo điều kiện giúp người dân có thêm nguồn vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.
|
Tiếp tục đáp ứng nhu cầu vay vốn
Trên cơ sở rà soát nhu cầu vốn ở các địa phương, hằng năm Ngân hàng CSXH tỉnh đã cân đối, bố trí kịp thời nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo. Cùng với đó, chính quyền các địa phương các cấp luôn quan tâm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhờ đó, thời gian qua không có tình trạng hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện mà không được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách.
Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết: Việc triển khai chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Bởi lẽ, hầu hết những hộ mới được công nhận thoát nghèo, điều kiện kinh tế tuy đã khá hơn trước, nhưng vẫn chưa ổn định, rất dễ tái nghèo nếu gặp rủi ro. Có thể khẳng định, sau 5 năm triển khai, nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo đã kịp thời “tiếp sức” cho hàng nghìn hộ gia đình tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Bài, ảnh: HỒNG HOA