Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản: Gian nan tìm hướng đi

08:03, 18/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù được kỳ vọng sẽ liên kết nông dân cùng sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh, thế nhưng, hầu hết các Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản (NTTS) ) trên địa bàn tỉnh lại làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ và gặp nhiều khó khăn trong đổi mới phương thức hoạt động.
 
Toàn tỉnh có 176 HTX, thì chỉ có 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực NTTS. Dù vậy, chỉ còn HTX Thủy sản Bình Chánh (Bình Sơn) đang hoạt động. Số còn lại đã giải thể và đang làm thủ tục giải thể.
 
Hoạt động cầm chừng
 
Bần thần bên hồ tôm mới thả nuôi gần 2 tháng, giờ phải thu hoạch “non” vì dịch bệnh, ông Trần Lậm, xã Bình Chánh (Bình Sơn) chia sẻ: “Nuôi được một thời gian, tôm có dấu hiệu bị đỏ thân, ăn yếu... nên tôi phải thu hoạch sớm, bán được phần nào hay phần ấy. Với chi phí đã bỏ ra thì khả năng thua lỗ gần 100 triệu đồng”. 
Hồ nuôi tôm ngăn cách với sông Trà Bồng bởi các triền đà đóng tàu, khiến thành viên HTX Thủy sản Bình Chánh gặp khó về nguồn nước.
Hồ nuôi tôm ngăn cách với sông Trà Bồng bởi các triền đà đóng tàu, khiến thành viên HTX Thủy sản Bình Chánh gặp khó về nguồn nước.
Không chỉ riêng ông Lậm, mà hàng chục hộ nuôi tôm của HTX Thủy sản Bình Chánh cũng lao đao khi tôm bị bệnh và chết hàng loạt. Điều đáng nói là, tình trạng tôm nuôi bị dịch bệnh không chỉ xảy ra trong năm nay, mà đã lặp đi lặp lại gần chục năm qua, khiến HTX rơi vào tình cảnh hoạt động cầm chừng.
 
“Muốn cải thiện chất lượng nước nuôi trồng, giảm thiểu dịch bệnh, cần chuyển đổi từ phương thức nuôi tôm trong ao đất sang nuôi tôm trong hồ lót bạt. Song, do vùng nuôi mà HTX quản lý ngăn cách với sông Trà Bồng bởi một số triền đà đóng tàu, đường giao thông và nhiều hộ nuôi tôm cá thể khác... nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc dẫn nước từ sông vào hồ nuôi. Do không chủ động được nguồn nước, nên mọi người đành giữ phương thức nuôi tôm trong ao đất như cũ, khiến năng suất, sản lượng nuôi trồng đều thấp”, Giám đốc HTX Thủy sản Bình Chánh Nguyễn Văn Hưng cho hay.
 
Nuôi tôm kém hiệu quả, HTX Thủy sản Bình Chánh từng chuyển đổi sang nuôi cá măng, cá đối thương phẩm. Mặc dù năng suất, sản lượng đạt được khá cao, nhưng HTX lại gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, các thành viên HTX đành quay trở lại với con tôm, hoặc chấp nhận bỏ hoang hồ. Vì thế, HTX Thủy sản Bình Chánh từng có 33 thành viên, nhưng nay chỉ còn gần một nửa bám trụ với nghề NTTS.
 
Khó khăn bủa vây
 
Từng là HTX được Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ NTTS, nhưng đến nay, sau 16 năm đi vào hoạt động, HTX NTTS Phổ Minh (thị xã Đức Phổ) đã nộp hồ sơ xin giải thể, vì hoạt động không hiệu quả. 
Sau nhiều năm nuôi tôm trên vùng triều gặp thất bại vì dịch bệnh, các thành viên của HTX Nuôi trồng thủy sản Tịnh Hòa tự nguyện xin giải thể HTX.
Sau nhiều năm nuôi tôm trên vùng triều gặp thất bại vì dịch bệnh, các thành viên của HTX Nuôi trồng thủy sản Tịnh Hòa tự nguyện xin giải thể HTX.
“HTX chỉ có 18 thành viên và không có vốn điều lệ. Những năm qua, ngoài cung ứng điện, HTX không phát triển thêm được dịch vụ nào khác. Trong khi đó, chi phí thu được từ dịch vụ điện chỉ đủ phục vụ cho hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa điện, không đủ trả lương cho Ban quản trị HTX. Gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, nên chúng tôi mới đi đến quyết định xin giải thể”, Giám đốc HTX NTTS Phổ Minh Nguyễn Muộn cho biết.
 
Trên địa bàn thị xã Đức Phổ, bên cạnh HTX NTTS Phổ Minh đang làm thủ tục xin giải thể, thì HTX NTTS sông Thoa (Phổ Văn) thì gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vùng nuôi, nên chỉ mới hình thành trên giấy, chứ chưa thể đi vào hoạt động. 
 
Tại huyện Bình Sơn, HTX NTTS Bình Phú cũng rơi vào tình cảnh tương tự vì chưa giải phóng được mặt bằng vùng nuôi. Còn tại địa bàn TP.Quảng Ngãi, sau 17 năm hình thành và phát triển, HTX NTTS Tịnh Hòa cũng vừa chính thức giải thể sau nhiều năm gặp khó trong hoạt động, vì vùng nuôi trồng liên tục bị dịch bệnh bủa vây.
 
Khó khăn trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm, giảm thiểu dịch bệnh... đang là những nút thắt kìm hãm hoạt động của HTX NTTS trên địa bàn tỉnh. Do đó, chính quyền các cấp và ngành chức năng cần quan tâm, trợ lực các HTX tháo gỡ vướng mắc, đổi mới phương thức hoạt động... để các HTX NTTS vượt qua khó khăn, phát huy được hiệu quả.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 
           
 

.