(Báo Quảng Ngãi)- Theo quyết định của EU, sau 31.3.2020, chất Ethoxyquin (có tác dụng chống ô xy hóa trong quá trình vận chuyển) không được phép sử dụng trong tất cả các loại thức ăn chăn nuôi, bao gồm cả thức ăn thủy sản. Điều này đồng nghĩa với việc, EU không chấp nhận sản phẩm thủy sản nuôi có dư lượng Ethoxyquin, dù hàm lượng rất thấp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chính vì vậy, từ tháng 10.2019, nhiều nhà nhập khẩu EU đã gửi thư yêu cầu các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản nước ta, chủ yếu là tôm, cá tra, cá ngừ... phải đảm bảo không có Ethoxyquin trong các mặt hàng thủy sản nuôi xuất khẩu sang EU, kể từ 1.4.2020. Đây chính là trở ngại rất lớn đối với các DN xuất khẩu, cũng như ngành nuôi trồng thủy sản trong nước. Bởi, EU đang là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, với giá trị nhập khẩu tôm năm 2019 đạt gần 700 triệu USD (21%), cá tra đạt 227 triệu USD...
Càng đáng ngại hơn khi mới đây, Bộ NN&PTNT đã kiểm tra 152 mẫu tôm nguyên liệu, thì có đến 83 mẫu (55%) không đạt quy định về Ethoxyquin; thậm chí nhiều mẫu có dư lượng Ethoxyquin lên tới 258ppm. Điều này cho thấy, nguồn thức ăn thủy sản hiện không đáp ứng yêu cầu về dư lượng Ethoxyquin của EU. Theo “giải thích” của các DN sản xuất và cung ứng thức ăn thủy sản thì Ethoxyquin đã có sẵn trong bột cá - nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn, chủ yếu được nhập khẩu từ Peru, Chile. Thế nhưng, nước ta không phải là thị trường nhập khẩu bột cá lớn của Peru và Chile, nên rất khó yêu cầu các nhà cung cấp của hai quốc gia này tuân thủ việc không bổ sung Ethoxyquin trong bột cá.
Tuy nhiên, với quyết tâm giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản sang EU, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các DN sản xuất thức ăn thủy sản phải kiểm tra chặt chẽ dư lượng Ethoxyquin trong các lô nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất. Trong trường hợp bột cá nhập khẩu từ Peru và Chile không đáp ứng về dư lượng Ethoxyquin, các DN sản xuất thức ăn thủy sản trong nước có thể thay đổi nhà cung cấp, hoặc nghiên cứu sử dụng các nguyên liệu thay thế. Nếu các mặt hàng thủy sản nuôi bị EU từ chối nhập khẩu, hoặc trả về do không đáp ứng dư lượng Ethoxyquin sẽ gây tổn thất rất lớn về uy tín, kinh tế cho DN, cũng như hoạt động xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Hơn nữa, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU còn là cơ hội để ngành thủy sản bứt phá, tiếp tục mở rộng thị trường. Nhất là khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, có khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở (chiếm 50% số dòng thuế) đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%; số còn lại sẽ cắt giảm trong thời gian từ 3 - 7 năm. Hiện nay, mức thuế nhập khẩu thủy sản vào EU trung bình là 14%, nhiều mặt hàng chịu thuế lên đến 26%.
Để tận dụng tốt cơ hội trên, cũng như không mất thị trường vì Ethoxyquin, trước hết các DN sản xuất thức ăn thủy sản phải nâng cao trách nhiệm từ việc kiểm soát nguồn nguyên liệu, đến công khai hàm lượng Ethoxyquin trên bao bì sản phẩm, để người chăn nuôi lựa chọn sản phẩm phù hợp với từng thị trường (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... quy định ngưỡng cho phép Ethoxyquin trong sản phẩm thủy sản tối thiểu là 0,01ppm). Bên cạnh đó, từ nay đến 31.3, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản. Đồng thời, xem xét đưa chỉ tiêu Ethoxyquin và việc ghi nhãn Ethoxyquin vào danh mục thanh, kiểm tra. Nếu phát hiện DN vi phạm, cần xử phạt nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
MỸ HOA