Dự án ngầm hóa kênh Đào và chỉnh trang đô thị: Vẫn dậm chân tại chỗ

11:03, 28/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để chỉnh trang đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh tuyến kênh Đào (đoạn qua phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi), UBND tỉnh cho phép một doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư với kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, đến nay dự án (DA) này vẫn dậm chân tại chỗ.
 
Dự án “trên giấy”
 
Tháng 12.2018, UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư DA Ngầm hóa tuyến kênh thoát nước sông Đào kết hợp chỉnh trang đô thị, xây dựng khu dân cư (KDC) lõm phía đông đường Đoàn Khắc Cung. Dự án sử dụng quỹ đất gần 1,3ha, với tổng vốn đầu tư gần 27 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Kinh doanh Hoàng Long (Công ty Hoàng Long) làm chủ đầu tư.  
 
Nhiều năm qua, tuyến kênh sông Đào (đoạn qua phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi) luôn trong tình trạng ô nhiễm  nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân ở khu vực này.
Nhiều năm qua, tuyến kênh sông Đào (đoạn qua phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi) luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân ở khu vực này.
 
Theo kế hoạch, DA bắt đầu thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành vào năm 2019. Mục tiêu của DA nhằm xây dựng KDC văn minh, hiện đại, cải thiện tốt hơn điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn thoát nước cho lưu vực nội thị và chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, đến nay DA vẫn dừng lại “trên giấy”, do vướng các quy định liên quan đến xác định tài sản công. Việc DA chậm triển khai không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân địa phương, mà còn làm chậm kế hoạch mở rộng đô thị, xóa các KDC lõm giữa thành phố.
 
Ghi nhận khu vực quanh DA cho thấy, tuyến kênh sông Đào luôn trong tình trạng bốc mùi hôi thối nồng nặc, nguồn nước lúc thì đen kịt, lúc chuyển sang màu trắng đục. Phía bên kia kênh là những bụi tre, cây dại rậm rạp, bên dưới lòng kênh cây cỏ mọc dày làm tắc dòng chảy.
 
Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong Phạm Viết Ất cho biết: Khi nhà đầu tư đề nghị thực hiện DA, địa phương và người dân rất mừng, bởi lâu nay sông Đào là kênh hở, là nơi thoát nước thải của khu vực phía bắc thành phố, nên rất ô nhiễm. Vì thế, để đảm bảo việc chỉnh trang đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường, Công ty Hoàng Long và các đơn vị liên quan sớm tháo gỡ nút thắt đối với tài sản công để sớm hoàn thành DA.
 
Sớm xác định giá trị tài sản công
 
Giám đốc Công ty Hoàng Long Đinh Tấn Dũng cho hay: Nguyên nhân DA chậm tiến độ là do vướng thủ tục thu hồi đất, mà cụ thể là xác định giá trị tài sản công, gồm hệ thống kênh, lan can, vỉa hè và đất. Vừa qua, công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin được giãn tiến độ thực hiện đến hết quý IV/2020. “Hiện công ty đã hoàn thành tất cả các thủ tục về lập phương án đền bù trình UBND TP.Quảng Ngãi phê duyệt lần thứ 1.
 
Tuy nhiên, đối với phần tài sản thuộc Nhà nước quản lý thì quá trình xác định thủ tục hồ sơ sau một năm vẫn chưa xong, nên DA không thể thực hiện được. Công ty đóng trên địa bàn phường, nên muốn thực hiện DA để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường và chỉnh trang hạ tầng đô thị. Chúng tôi mong lãnh đạo thành phố sớm hoàn thành việc xác định giá trị tài sản công, để công ty có cơ sở triển khai DA, hoàn thành đúng kế hoạch”, ông Dũng kiến nghị.
 
Theo Trưởng phòng Tài chính kế hoạch TP.Quảng Ngãi Đoàn Hùng Phương, đơn vị đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị liên quan để xác định giá trị tài sản công trên đất gồm hệ thống lan can, vỉa hè để đảm bảo đúng quy định của pháp luật về Luật tài sản công, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành việc định giá. Trong tuần tới, đơn vị sẽ cố gắng hoàn thành để trình lãnh đạo thành phố.
 
Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Trần Phước Hải cho rằng: Việc nhà đầu tư xin thực hiện DA ngầm hóa tuyến sông Đào và chỉnh trang vùng lõm của đô thị là rất chính đáng. Riêng việc xin giãn tiến độ là đúng quy định, song để điều chỉnh chủ trương đầu tư, thì Công ty Hoàng Long cần có kế hoạch, thời gian thực hiện cho phù hợp, tránh tình trạng điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư nhiều lần, chậm đưa vào khai thác, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong KDC.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 
 

.