(Báo Quảng Ngãi)- Điều mà người tiêu dùng mong mỏi nhất trong dịp Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 (15.3), là thị trường được giữ vững, đảm bảo đủ hàng, bán đúng giá trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ năm 2015, ngày 15.3 chính thức trở thành "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam". Trải qua 5 năm thực hiện, với các chủ đề khác nhau, sự kiện này đã thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan, tổ chức xã hội, giúp nâng cao nhận thức của mọi chủ thể về quyền lợi, nghĩa vụ, cũng như cách thức kinh doanh, tiêu dùng hiệu quả.
Hàng hoá dồi dào tại Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi. |
Năm 2020, trong bối cảnh các giao dịch thương mại điện tử ngày càng gia tăng, trở nên phổ biến, Bộ Công thương đã chọn chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” làm thông điệp của sự kiện này. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thông điệp mà người tiêu dùng muốn gửi đến ngành công thương và các cấp chính quyền lại mang tính thiết thực hơn. Ông Nguyễn Văn Tâm, ở thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cho rằng: "Lúc này, nhà nước cần có biện pháp đảm bảo đầy đủ hàng hóa nhằm đáp ứng tiêu dùng cho dân, giữ giá bán ổn định. Làm tốt điều này chính là bảo vệ quyền người tiêu dùng thiết thực nhất".
Nhìn lại thị trường hàng hóa vào thời điểm xuất hiện dịch Covid-19, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay kháng khuẩn đã khan hiếm thực sự. Giá các mặt hàng này ở thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2.2020 tăng chóng mặt. Khi ấy, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phải phát đi thông điệp, sẽ tước giấy phép kinh doanh cơ sở nào bán tăng giá đột biến hai mặt hàng nói trên. Tại Quảng Ngãi, tuy chưa có cơ sở nào vi phạm đến mức phải áp dụng biện pháp cứng rắn này, nhưng việc tăng giá bán đã diễn ra trong một số thời điểm nhất định. Cục Quản lý thị trường tỉnh và các ngành chức năng đã kịp thời phối hợp ngăn chặn, tổ chức ký cam kết với các cơ sở phân phối khẩu trang y tế và nước rửa tay kháng khuẩn không tăng giá bán. Thực tế hiện nay, riêng mặt hàng khẩu trang y tế giá không tăng, nhưng lại rơi vào tình trạng khan hiếm, lượng hàng trên thị trường không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào đầu tháng 3.2020, một bộ phận người dân hoang mang, đổ xô đi mua hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm để tích trữ, khiến thị trường biến động về sức mua, giá cả. Cao điểm nhất là vào các ngày 7 và 8.3, lượng khách hàng tăng đột biến ở các siêu thị, trung tâm mua sắm đến các chợ, đại lý, cửa hàng. Các siêu thị, trung tâm thương mại đã phải áp dụng biện pháp "khống chế số lượng" đối với mặt hàng mì tôm. Mỗi khách hàng chỉ được mua 5 gói mì tôm/ngày. Một số đại lý gạo cũng chỉ bán 1 bao gạo cho 1 khách hàng. Tuy nhiên, cũng không ít cửa hàng, đại lý, nhà phân phối lợi dụng sức mua tăng, tung ra thị trường hàng hóa sắp hết hạn sử dụng, thậm chí hàng kém chất lượng. Hiện nay, lực lượng chức năng đang tăng cường phối hợp xác minh và cam kết sẽ xử lý nghiêm, đồng thời nêu tên công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hiện một số siêu thị, cửa hàng phân phối hàng hóa trên thị trường Quảng Ngãi đang triển khai một số giải pháp thiết thực để bảo vệ, tri ân, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Đơn cử như Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi tổ chức đợt bán hàng khuyến mại giảm giá, bán hàng kèm tặng quà hàng trăm mặt hàng. Cùng với đó, siêu thị cũng đã nhập hàng đảm bảo chất lượng, với số lượng dồi dào, giữ ổn định giá bán, đa dạng phương thức phục vụ, đặc biệt là giao hàng tận nhà đối với đơn hàng 200.000 đồng trong bán kính 6km.
Ngoài ra, một số nhà phân phối chính hãng sản phẩm gia dụng, xe gắn máy còn tổ chức các chương trình tri ân khách hàng như: Hỗ trợ kiểm tra, bảo hành sản phẩm, tư vấn sử dụng tiêu dùng... nhằm kích cầu tiêu dùng trong mùa dịch Covid-19.
Bài, ảnh: THANH NHỊ