Chợ tiền tỷ… chờ tiểu thương

09:03, 22/03/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Dù đã xây dựng hoàn thành từ lâu nhưng giữa tiểu thương và chính quyền địa phương vẫn chưa “gặp nhau” trong cách giải quyết nên chợ mới xây vẫn trong tình trạng… chờ tiểu thương, trong khi người dân địa phương lại tràn ra đường để họp chợ - Đó là thực trạng đang xảy ra tại một số địa phương ở huyện Tư Nghĩa. 
Tiểu thương “chê” chợ mới
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán, phục vụ đời sống người dân cũng như thực hiện chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng chợ xã Nghĩa Hiệp. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là chợ sau khi xây dựng khang trang lại để “phơi nắng, phơi mưa”. 
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, chợ Nghĩa Hiệp được xây dựng trên diện tích hơn 3.000m2, bao gồm đầy đủ các hạng mục cần thiết cho hoạt động mua, bán tại địa phương. Chợ đã xây dựng hoàn thành từ tháng 2.2019 cho đến nay. 
 
Dù đã sau hơn 1 năm hoàn thành, nhưng chợ vẫn chưa có tiểu thương vào buôn bán. Xung quanh chợ cỏ dại mọc đầy, bãi đất rộng rãi trong khuôn viên chợ được người dân tận dụng chăn thả trâu, bò.
 
Điều đáng nói, trong khi chợ mới được đầu tư rộng rãi, sạch sẽ bị bỏ hoang, thì cách đó không xa, hoạt động buôn bán tại khu chợ cũ lại diễn ra khá nhộn nhịp dù các gian hàng được bày bán tạm bợ, ọp ẹp,... thậm chí một số hộ tiểu thương còn lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán.
 
Chợ xã Nghĩa Hiệp xây dựng xong đã lâu nhưng chưa đưa vào sử dụng
Chợ xã Nghĩa Hiệp xây dựng xong đã lâu nhưng chưa đưa vào sử dụng
 
Lý giải về việc chợ mới đã xây dựng xong nhưng không vào chợ mà vẫn còn họp ở chợ cũ, các hộ tiểu thương cho rằng, do mức thuê lô sạp giá quá cao và phải nộp tiền thuê lô sạp một lần lên đến vài chục triệu đồng, vượt quá thu nhập của đa số bà con tiểu thương. Điều này, khiến họ chấp nhận kinh doanh tại khu chợ cũ gần ngay bên cạnh.
 
“Chợ quê mà, người mua bán không nhiều, việc buôn bán chỉ diễn ra trong buổi sáng, hơn nữa đa số tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ, mỗi buổi lên chợ chỉ lãi tầm vài chục nghìn đồng. Trong khi địa phương ra giá thuê mặt bằng với giá lô thấp nhất cũng phải 36 triệu đồng/lô/20 năm; cao nhất lên tới 57 triệu đồng/lô/ 20 năm và buộc phải nộp tiền một lần sau khi trúng đấu giá là không hợp lý”- một hộ tiểu thương chia sẻ.
 
Theo chính quyền địa phương, khi chợ hoàn thành, xã cũng đã vận động tiểu thương vào kinh doanh và tổ chức đấu giá 16 lô sạp (mỗi lô có diện tích 6m2) trong chợ, thời hạn thuê 20 năm, song nhiều tiểu thương vẫn chưa “mặn mà” với việc vào chợ mới. 
 
Các tiểu thương ở chợ cũ họp chợ tràn ra cả ngoài đường
Các tiểu thương ở chợ cũ họp chợ tràn ra cả ngoài đường
 
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Trần Văn An cho biết: Sau khi chợ xây xong, xã đã lập phương án đấu giá trình UBND huyện phê duyệt và tiến hành tổ chức đấu giá 16 lô trong nhà lồng vào tháng 12.2019 nhưng chỉ có 2 hộ cá nhân tham gia đấu giá trúng.  
 
“Qua đối thoại với người dân, họ cho rằng, tiền đấu giá lô sạp nộp một lần cho thời gian 20 năm là quá nhiều, yêu cầu chia nhỏ ra nhiều lần nộp; đồng thời, tiểu thương chợ Nghĩa Hiệp buôn bán nhỏ, nhưng chợ thì xây dựng quy mô, do đó, mức giá vào chợ cao so với khả năng của tiểu thương nên đề nghị làm các quầy sạp nhỏ, đơn giản hơn để giá thành giảm xuống”- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Trần Văn An chia sẻ về những đề nghị của người dân. 
 
Trước những khó khăn trong việc đưa chợ Nghĩa Hiệp vào hoạt động, UBND xã Nghĩa Hiệp đã báo cáo xin ý kiến của UBND huyện để có ý kiến chỉ đạo xử lý. “ Hiện, xã đã trình hai phương án để huyện định hướng giải pháp thực hiện, một là có thể để nguyên các lô sạp đó với giá như ban đầu nhưng chia nhỏ ra các lần nộp để cho tiểu thương dễ nộp; hai là, xin làm lại phương án đấu giá, có thể chỉ trong thời gian 5 năm cho một kỳ đấu giá để cho tiểu thương dễ nộp hơn”- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Trần Văn An nói. 
 
Hiện tại, trả lời cho câu hỏi đến khi nào chợ Nghĩa Hiệp mới có thể đi vào hoạt động, tránh để lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước trong thời gian dài, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp Trần Văn An cho rằng: “Chưa có thể trả lời chính xác được thời gian”.
 
Chưa tìm được tiếng nói “chung”
 
Không chỉ chợ xây dựng từ nguồn kinh phí của Nhà nước mà chợ vận động từ nguồn xã hội hóa cũng đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Điển hình như chợ Nghĩa Phương (Tư Nghĩa). 
 
Đã hơn 3 năm sau khi hoàn thiện, khu chợ khang trang từ nguồn xã hội hóa, do UBND huyện Tư Nghĩa làm chủ đầu tư, xây trên diện tích 4.800m2, gồm nhà lồng có 32 lô sạp, 2 dãy 20 ki ốt, tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng ở xã Nghĩa Phương vẫn bỏ hoang. Một số công trình, hạng mục phơi sương, phơi nắng dần hư hại. 
 
Thời gian qua, khu vực nhà lồng trở thành cho phơi chứa lông gà, lông vịt của người dân, còn xung quanh chợ cỏ dại mọc um tùm, một số nơi thành điểm tập kết rác thải (!?). Hỏi người dân địa phương, ai cũng xót của khi thấy cơ sở vật chất của khu chợ nhiều năm nay vẫn trong tình trạng "trơ gan cùng tuế nguyệt",  rất hoang phí...
 
Cây cối, cỏ dại mọc um tùm tại khu vực nhà lồng
Cây cối, cỏ dại mọc um tùm tại khu vực nhà lồng

 

Khuôn viên trong chợ  Nghĩa Phương một số nơi trở thành những điểm tập kết rác thải
Khuôn viên trong chợ Nghĩa Phương một số nơi trở thành những điểm tập kết rác thải
 
Chợ tiền tỷ bỏ hoang, còn người dân thì cứ “lối cũ ta về”, dựng làm lều quán mua bán bên ngoài, gần địa điểm chợ mới xây. 
 
Vẫn với lý do, cách bố trí, thiết kế của chợ Nghĩa Phương bất hợp lý, giá thuê cao nên dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền vận động nhưng các hộ tiểu thương việc kiên quyết bám trụ nơi lều quán tạm bợ mà không di dời vào buôn bán trong chợ.
 
Được biết, suốt những năm qua, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại với bà con tiểu thương để từng bước tháo gỡ khó khăn, sớm đưa chợ vào hoạt động, song vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. 
 
Chưa “gặp nhau” trong cách giải quyết giữa tiểu thương và chính quyền địa phương nên nguồn vốn hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng ngôi chợ khang trang, trở nên lãng phí. 
 
Chợ là nhu cầu thiết yếu trong đời sống Nhân dân vùng nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển KT- XH, song, quy hoạch ra sao hay vận hành như thế nào để hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, tránh tình trạng, công trình bỏ ra tiền tỷ vẫn bỏ hoang, gây lãng phí, bức xúc cho người dân, trong khi nhiều công trình khác đang thiếu hoặc xuống cấp cần được đầu tư vốn để nâng cấp, sửa chữa, nhất là các công trình trường học, y tế...
 
Bảo Ngọc

.