KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi: Đón "làn sóng" đầu tư mới

08:01, 29/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với tiềm năng, thế mạnh vượt trội cùng cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh, Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Vài năm gần đây, dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn trong nước và FDI “đổ” vào Dung Quất ngày càng nhiều…
Trò chuyện cùng phóng viên một ngày cuối năm 2019, lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (Ban Quản lý) bảo rằng, những năm gần đây không còn chuyện ồ ạt cấp phép cho dự án (DA) đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi nữa, mà phải chọn lọc kỹ lưỡng. “Quảng bá, giới thiệu và kêu gọi nhà đầu tư đến với Dung Quất là việc phải làm thường xuyên. Song, việc cấp phép DA cho nhà đầu tư thì chúng tôi lựa chọn những DA có tính khả thi cao, các nhà đầu tư lớn, uy tín, chất lượng”, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Nguyễn Minh Tài khẳng định.
 
NƠI HỘI TỤ CÁC DỰ ÁN LỚN
 
Ông Nguyễn Minh Tài cho biết: Nhờ tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất, cộng với những cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh và cơ sở hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã và đang trở thành nơi hội tụ của nhiều nhà đầu tư lớn, như các tập đoàn Hòa Phát, FLC; Tập đoàn Sembcorp (Singapore), Tập đoàn Messer (Đức), Tập đoàn Bekaert S.A (Bỉ), Tập đoàn Hoya (Nhật Bản), Tập đoàn WHA (Thái Lan)... 
Lãnh đạo tỉnh và Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi kiểm tra thực tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư tại Dung Quất.  ẢNH: PHẠM VINH
Lãnh đạo tỉnh và Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi kiểm tra thực tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư tại Dung Quất. ẢNH: PHẠM VINH
Bên cạnh các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, KKT Dung Quất còn là điểm đến lý tưởng của các dự án du lịch, dịch vụ. Điển hình là sự góp mặt của Tập đoàn FLC, với 9 dự án (DA) thuộc lĩnh vực du lịch – thương mại và dịch vụ, tổng vốn đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng. Đây là một khu phức hợp bao gồm nhiều hạng mục: Khu du lịch sinh thái, sân golf, trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn 5 sao, khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp...
 
“Phát triển du lịch, dịch vụ đã và đang được Quảng Ngãi xem là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020. Sự có mặt của FLC tại Khu đô thị Vạn Tường thuộc KKT Dung Quất sẽ đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung”, Trưởng Ban Quản lý Nguyễn Minh Tài cho hay.
“Ban Quản lý sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tập trung thu hút các DA từ các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ... Phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng như VSIP Quảng Ngãi, Công ty Dae Young E&C (Hàn Quốc) để thu hút các DA công nghiệp nhẹ vốn FDI. Đồng thời, tập trung thu hút những ngành nghề, lĩnh vực mà KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có lợi thế so sánh, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến sử dụng cảng biển nước sâu, công nghiệp nặng, các DA kinh doanh hạ tầng KCN... Ưu tiên khai thác các DA của ngành dầu khí để từng bước phát triển KKT Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc - Hóa dầu quốc gia theo quy hoạch được duyệt”.
 
 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất
và các KCN Quảng Ngãi
NGUYỄN MINH TÀI
ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÀ ĐẦU TƯ
 
Theo ông Nguyễn Minh Tài, thời gian qua Quảng Ngãi cũng như Ban Quản lý luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, triển khai DA tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi. Trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý xác định “nhà đầu tư, DN là đối tượng phục vụ”, luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau khi cấp phép đầu tư... Trong năm 2019, Ban Quản lý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 46 DA, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 51 nghìn tỷ đồng (tương đương 2.193 triệu USD, đạt 1.462% kế hoạch năm); trong đó có 2 DA Điện khí do Thủ tướng Chính phủ Quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 36 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 346 DA đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 290.524 tỷ đồng (tương đương 14,324 tỷ USD). Trong đó, có 58 DA FDI, với tổng vốn đầu tư 1,76 tỷ USD và 288 DA trong nước, với tổng vốn đầu tư 253.463 tỷ đồng. 
Lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư thực hiện nghi thức động thổ khởi công Dự án Nhà máy sản xuất tròng mắt kính Hoya Lens Việt Nam 2 – Dung Quất.    ẢNH: P.VINH
Lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư thực hiện nghi thức động thổ khởi công Dự án Nhà máy sản xuất tròng mắt kính Hoya Lens Việt Nam 2 – Dung Quất. ẢNH: P.VINH
Ban Quản lý cũng đã nỗ lực thực hiện tốt công tác cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hỗ trợ DN trong việc triển khai đầu tư dự án trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi. Tích cực hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, triển khai, đưa dự án đi vào hoạt động và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
 
Nhằm tiếp tục xây dựng KKT Dung Quất trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục phát huy và khai thác những tiềm năng, lợi thế có sẵn như: Hệ thống cảng biển nước sâu, hệ thống hạ tầng, quỹ đất phát triển công nghiệp... để tăng cường thu hút các DA đầu tư có chất lượng, theo đúng định hướng của tỉnh vào KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ cho các DA lớn, DA động lực như: Khu liên hợp sản xuất Gang Thép Hòa Phát Dung Quất; Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất; các DA của Tập đoàn FLC... triển khai thuận lợi để sớm đưa vào hoạt động, bởi các DA này có sức lan tỏa trong thu hút đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ các nhà đầu tư sớm triển khai các DA trong chuỗi DA khí Cá Voi Xanh tại Dung Quất...
 
PHẠM VINH
 
 
 
 
 

.