(Báo Quảng Ngãi)- Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất không chỉ đóng góp lớn vào thu ngân sách, giải quyết việc làm mà còn tạo cú huých cho ngành công nghiệp Quảng Ngãi phát triển.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, đã hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu cho ra sản phẩm. Cùng với đó, Cảng Hoà Phát cũng đã hoàn thành có khả năng đón tàu trên 200.000 tấn.
ĐÓNG GÓP LỚN CHO NGÂN SÁCH
Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất Mai Văn Hà cho biết: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện là dự án trọng điểm của Tập đoàn Hòa Phát. Dự án có công suất thiết kế dự kiến đạt 4 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 sẽ sản xuất 2 triệu tấn thép dài/năm và giai đoạn 2 sẽ sản xuất thêm 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm.
Hòa Phát Dung Quất đã cho ra thị trường các sản phẩm phôi thép, thép thanh, thép cuộn. Khi dự án hoàn thành, Hòa Phát sẽ nằm trong tốp 50 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Cảng Hòa Phát Dung Quất có thể đón tàu lớn nhất 200.000 tấn. ẢNH: PV |
Đến thời điểm này, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 và vận hành thử nghiệm, đồng thời đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng giai đoạn 2. Dự kiến, toàn bộ các hạng mục sẽ đi vào hoạt động đồng bộ từ quý III/2020. Theo kế hoạch, quý I/2020 Hòa Phát Dung Quất sẽ cho chạy thử nghiệm dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng HRC.
Cũng theo ông Mai Văn Hà, với tổng vốn đầu tư trên 52.000 tỷ đồng, trải dài trên diện tích 376ha, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất không chỉ kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, mà còn góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một số lượng lớn lao động tại Quảng Ngãi và các vùng lân cận. Tính đến cuối năm 2019, trong tổng số 7.665 cán bộ, công nhân viên của Hòa Phát Dung Quất có đến 6.226 nhân sự là người Quảng Ngãi, đó là chưa kể khoảng trên 20.000 lao động của các nhà thầu.
Từ khi triển khai đến nay, Hòa Phát Dung Quất đã nộp 3.382 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, riêng trong 10 tháng năm 2019 con số này là 1.494 tỷ. Dự kiến năm 2020, Hòa Phát Dung Quất sẽ đóng góp khoảng 2.500 tỷ đồng cho ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, Hòa Phát Dung Quất cũng tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Song song với việc đang vận hành thử nghiệm Phân kỳ 1 – Giai đoạn 1, thì hạng mục cảng biển Hòa Phát cũng đã được Hòa Phát đẩy nhanh thi công và cơ bản hoàn thiện. Theo Giám đốc Cảng Hòa Phát Dung Quất Nguyễn Quốc Trịnh, cảng biển là một trong các dự án quan trọng nhất của Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất, bởi nó là lợi thế rất lớn và riêng có của Thép Hòa Phát Dung Quất, giúp tối ưu hóa bài toán logistics, dễ dàng nhập nguyên liệu đầu vào, bốc dỡ hàng hóa và xuất hàng thành phẩm... tới các thị trường trong và ngoài nước.
Cảng Hòa Phát Dung Quất có tổng cộng 11 bến, có thể đón tàu lớn nhất 200.000 tấn. Hiện giai đoạn 1 (9 bến cảng) có khả năng đón tàu có trọng tải 100.000 tấn đã hoàn thành. Hai bến cuối cùng của giai đoạn 2 cũng đang hoàn thiện. Khi hoàn thành, 11 bến cảng của Hòa Phát sẽ có tổng công suất 32 triệu tấn/năm (cả hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu).
ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI
Theo ông Mai Văn Hà, với định hướng và tầm nhìn phát triển bền vững, lâu dài, Hòa Phát chú trọng đầu tư nhiều trang thiết bị thuộc loại hiện đại nhất thế giới, giúp toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất được tái sử dụng tuần hoàn, giảm thiểu phát thải tối đa, góp phần bảo vệ môi trường. Vốn đầu tư cho các hạng mục về môi trường chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư cố định. Trong đó, với công nghệ lò cao khép kín 100%, không xả thải ra môi trường, toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý triệt để, đáp ứng các quy chuẩn hiện hành trong sản xuất công nghiệp nặng.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. ẢNH: P. Danh |
Khu liên hợp lựa chọn công nghệ luyện than cốc thu hồi nhiệt tiên tiến nhất. Đây là công nghệ sản xuất than cốc sạch thu hồi nhiệt đạt các tiêu chuẩn môi trường theo cơ chế phát triển sạch CDM giảm lượng khí thải nhà kính theo Nghị định thư Kyoto. Công nghệ này triệt tiêu toàn bộ khí, khói và các chất hóa học độc hại sinh ra từ quá trình luyện than cốc, chỉ thu hồi lại nhiệt năng để chạy máy phát điện. Dự kiến, sản lượng điện tự chủ được lên đến 60 - 70%, đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho Thép Hòa Phát Dung Quất.
Hòa Phát cũng áp dụng nhiều biện pháp để xử lý bụi phát sinh trong sản xuất như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải, lọc bụi ướt. Ngoài ra, lượng bụi chứa sắt thu hồi được trong quá trình luyện gang thép, cán thép đều được tái sử dụng ở các công đoạn sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí, vừa cải thiện môi trường làm việc.
Hòa Phát còn tối ưu hóa công nghệ, biến chất thải rắn phát sinh trong quá trình luyện gang thành sản phẩm vật liệu xây dựng xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95, bảo vệ môi trường, đem lại giá trị gia tăng đáng kể cho chuỗi sản xuất thép. Thép Hòa Phát Dung Quất cũng đang triển khai áp dụng hệ thống ISO 14001:2015- Hệ thống quản lý môi trường và tiến hành đánh giá nội bộ định kỳ.
MINH TOÀN