Ước được ôm một cây chè cổ thụ

09:12, 21/12/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Tôi đã mấy lần lên Hà Giang, nhưng chưa lần nào được tận mắt ngắm một cây chè cổ thụ shan tuyết có độ tuổi mấy trăm năm. 
 
Tôi kính ngưỡng những cây chè cổ thụ như thế, vì đó là những báu vật đang sống. Không có bảo tàng nào kỳ diệu như bảo tàng thiên nhiên, và không có bảo vật nào tuyệt vời hơn những cây xanh đang sống.
 
Mà đó lại là những cây chè. Với tôi, cây chè vùng cao miền Bắc là một cái duyên, còn tôi thì có nợ với nó. 
 
Nợ đây cũng không hề khó trả, chỉ là câu chuyện ngày còn trẻ học đại học sơ tán tận Đại Từ (Thái Nguyên), chúng tôi đã ở giữa một vùng đồi chè bạt ngàn. Mỗi nhà dân ở đó đều có những vườn chè của nhà mình. Và tôi, cùng mấy đứa bạn học của mình, thường xuyên “đột kích” vào vườn chè bà Vân vào lúc… 3 giờ sáng, để hái trộm chè về uống.
 
Chúng tôi không hái nhiều, chỉ vừa nấu một nồi chè xanh đủ uống cho tới sáng để bàn chuyện… văn thơ. Nhưng nửa đêm mò vào vườn chè nhà dân, không ăn trộm chè thì làm gì, chẳng lẽ để… nghiên cứu chè? Chúng tôi lại học khoa Ngữ Văn, biết gì về cây chè mà… nghiên cứu.  
 
 
Nhưng cũng nhờ những năm học sống cùng cây chè đó, chúng tôi đều biết uống trà, biết phân biệt trà ngon trà dở, biết giá từng bơ (lon sữa bò) chè ngoài chợ. Nhiều anh em trong chúng tôi do ở nhà dân, còn biết cả kỹ thuật chế biến trà, nhờ bà con chỉ bảo.
 
Cũng do thế, hơn nửa thế kỷ qua, mấy anh em bạn học chúng tôi ngày ấy đều giỏi… uống trà. Và món “trà đạo Việt Nam” cực giản dị là món chúng tôi vẫn thưởng thức hàng ngày, kể cả những năm tôi ở chiến trường Nam Bộ.
 
Cây chè, không chỉ là báu vật của Việt Nam, nó còn là báu vật của thế giới. 
 
Nhớ hồi mùa thu năm 2005, vợ chồng tôi sang Pháp chơi với bạn bè, chúng tôi đã mang “tới gần Tháp Eiffel”  2 kg trà đặc biệt được sao bằng tay tại Suối Giàng (Yên Bái), là một trong mấy trung tâm của cây chè cổ thụ shan tuyết Việt Nam. Phải công nhận, trà Suối Giàng Yên Bái ngon tuyệt đỉnh luôn.
 
Hai ký trà chúng tôi mang qua Paris, vừa biếu anh em bạn bè, vừa đãi bà con Việt kiều tham dự buổi nói chuyện của tôi về cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”  tại quán Foyer Viet Nam. Ai uống trà Suối Giàng hôm ấy cũng khen, trà ngon quá thơm quá, lại nhấm nháp với kẹo vừng kẹo lạc quê nhà Việt Nam, thật hết ý.
 
Cây chè, tốt từ lá chè già tới đọt chè non (còn gọi là tôm). Lá già thì phơi khô uống chè khô, hay để tươi uống chè xanh, còn đọt non-tôm-thì như câu thiệu “một tôm hai lá”, bà con hái chè chuyên nghiệp cứ “một-hai” mà hái, đó là  nguyên liệu làm nên chè loại Một. 
 
Bây giờ, ở ngay Tân Cương-thủ phủ chè Thái Nguyên-người ta còn chắt chiu tới mức chọn toàn đọt nõn (tôm), không lấy hai lá non, chỉ lấy nõn. Nguyên liệu ấy làm nên loại trà đặc biệt, gọi là trà đinh nõn, bán tới 2,5 đồ triệung/kg. Đúng là trà hảo hạng. Tôi may mắn được uống loại trà này, công nhận là ngon thật.
 
Nhưng rồi chợt nhớ lại, thời sơ tán ở xã Vạn Thọ huyện Đại Từ ấy, chúng tôi đã bao nhiêu lần được uống trà của bà con Đại Từ, bán trong những ống bơ, giá đắt nhất chỉ 1 đồng/bơ, mà ngon nào kém trà “đinh nõn” Tân Cương bây giờ.
 
Lý do, khá đơn giản: vì chè (trà) hồi ấy hoàn toàn được chế biến bằng tay, từ khâu vò trà, khâu sao trà trên chảo gang với lửa than, khâu “đánh mốc” để trà có màu “tuyết”, tất cả các công đoạn ấy đều được thực hiện bằng tay, và tốn rất nhiều thời gian.
 
Sự chiu chắt, tỉ mỉ, gạn lọc như thế đã tạo nên thành phẩm là những “bơ” trà, dù từ “một tôm hai lá” hay “một tôm bốn lá” đều cho chất lượng trà rất thơm ngon. Hồi ấy, không ai chỉ dùng trà “độc tôm”, trà “một tôm hai lá” đã ngon số zách rồi, cần gì hơn nữa.       
 
Chỉ có điều, ở Thái Nguyên, tôi chưa được thấy những cây chè cổ thụ. Những đồi chè vườn chè ở đây trồng một loại chè được cắt xén tròn vành vạnh, đều tăm tắp, trông xa xa giống những chiếc mũ bảo hiểm úp, cứ như người ta bây giờ chăm cây cảnh. Cả đồi chè mà mỗi cây chè đều giống nhau như vậy, nhìn rất thích mắt.
 
Lý do vì sao người trồng chè cắt xén những cây chè như vậy, thì cũng dễ hiểu: để chè đồng loạt ra búp nõn lá non mỗi mùa xuân tới. Đó là mùa hái chè, thu hoạch được những gùi chè ngon nhất, thơm nhất. Từ đó làm nên những “bơ” trà hảo hạng.
 
Dù bán ngoài chợ chỉ tầm một đồng/bơ, nhưng tiền ngân hàng Hà Nội hồi ấy có giá lắm. Học bổng đồng loạt của sinh viên chúng tôi là 17,5 đ/tháng, chỉ đủ đóng tiền ăn cơm tập thể. Nếu muốn có tiền mua trà uống, chúng tôi hoặc phải xin tiền nhà, hoặc phải lao động kiếm thêm. Lao động ở vùng rừng núi chủ yếu là đi rừng lấy nứa, lấy gỗ, lấy củi. Mỗi bó nứa to nặng và nứa bánh tẻ ngon lành, giá tầm 3-4 đồng. 
 
Hồi ấy, chúng tôi hay nhận những "đơn đặt hàng" từ các thầy giáo của mình, chúng tôi đi rừng lấy nứa về bán cho các thầy làm chuồng gà hay làm nhà bếp. Thầy trò rất thương nhau, nhưng “giá cả phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, và chúng tôi vui mừng nhận những đồng tiền trong sạch từ lao động cực nhọc của mình. Tiền ấy, có một phần quan trọng, để giành mua chè uống. Hồi đó, chỉ gọi đơn giản là “chè”, chứ không gọi “trà”. Cái tên ‘chè” có vẻ dân giã, bình dân, hợp với người trồng chè, và hợp cả với chúng tôi, những sinh viên nghèo.
 
Như thế, nhờ đi học sơ tán ở vùng chè, tôi đã quen uống chè tới nay đã hơn nửa thế kỷ. Và gia đình tôi thường xuyên uống chè xanh tới nay vừa tròn 30 năm. Ban đầu, cũng vì nghĩ tới bà con người dân tộc ở huyện miền núi Minh Long (Quảng Ngãi), nơi cũng được coi là thủ phủ chè Quảng Ngãi, tôi đã thường xuyên mua chè tươi của bà con mang về thị xã bán, riết thành quen, thành… nghiện chè xanh.
 
Uống chè xanh rất tốt cho sức khỏe, nên sau 15 năm tôi uống chè xanh, ra chợ thấy giá chè xanh “được” hơn hẳn. Bà con hái chè núi và bán chè tươi có thu nhập dần tốt lên, lượng người uống chè xanh trong phố cũng tăng lên theo năm tháng. Bây giờ, tại TP.Quảng Ngãi, đã có những quán cà phê “xịn” phục vụ nước uống là chè xanh rất ngon, một tiến bộ đáng ghi nhận của ngành giải khát.
 
Kể mãi về cây chè và uống chè, nhưng mãi tới bây giờ tôi vẫn chưa có hân hạnh được gặp mặt một cây chè cổ thụ nào, dù dã quen với những đồi chè cây tròn như “mũ bảo hiểm úp”. Lại được biết, bây giờ, những chuyên gia về chè trên thế giới đánh giá rất cao những rừng chè cổ thụ shan tuyết của Việt Nam. Họ đã đến tận nơi, đã lấy nhiều mẫu để nghiên cứu, đã có kế hoạch giới thiệu rộng rãi “đặc sản chè” Việt Nam ra thế giới.
 
Đó là những rừng chè cổ thụ tự nhiên, người dân chỉ khai thác chứ không “thêm” phân hóa học hay hóa chất. Còn bao nhiêu đồi chè trồng trong cả nước, đang rất cần một chiến lược “chè sạch” toàn diện, để sản phẩm chè Việt có thể đường hoàng ra thế giới, tới với mọi người thưởng thức trà trên hành tinh này. Chiến lược chè sạch ấy phải được thực hiện đồng bộ, để qui trình trồng chè, thu hoạch và chế biến chè trở lại “như ngày xưa”, nghĩa là sạch tự nguồn. 
 
Chiến lược ấy không dễ thực hiện, nhưng không còn con đường nào khác, nếu muốn sản phẩm chè Việt Nam vượt qua những hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe tại những nước phát triển.
 
Còn những cây chè cổ thụ di sản, đó là những biểu tượng, những hình ảnh thương hiệu của cây chè Việt Nam. Những “đấng bậc cổ thụ” ấy sẽ là những “đại sứ chè” đưa cây chè Việt ra thế giới.
 
Với những đồi chè mênh mông của Việt Nam, đó sẽ là nơi cung cấp một khối lượng rất lớn sản phẩn chè đạt chất lượng xuất khẩu cho Việt Nam.
 
Ước ao ấy có khi còn lớn hơn ao ước được nhìn tận mắt một cây chè shan tuyết cổ thụ./.          
 
Thanh Thảo
 

 


.