Miền cát trắng... chuyển mình

10:09, 03/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từng là những miền cát trắng khô cằn, với nhiều diện tích hoang hóa vì không tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp. Thế nhưng hiện nay, nhiều xã ven biển ở Bình Sơn, Mộ Đức... đã thay da đổi thịt.

Từng bước phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường, giờ đây ký ức về miền cát trắng một thời gian khó đã lùi xa, nhường chỗ cho sự ấm no, đủ đầy.

Đất cằn... “nở hoa”

Nhìn những ruộng măng tây xanh mướt dần phủ xanh vùng đất cát quê mình, lão nông Lê Nam, ở thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong (Mộ Đức) bồi hồi nhớ lại: Ngày xưa, vùng đất cát nóng bỏng chân người này có trồng được cây gì hiệu quả đâu. Có ai nghĩ rằng, có ngày, vùng đất này lại trồng được loại cây xuất xứ từ nước ngoài, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cây hành tím bén duyên trên vùng đất cát Bình Hải (Bình Sơn) đã mang lại cho người dân nơi đây thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ/năm.
Cây hành tím bén duyên trên vùng đất cát Bình Hải (Bình Sơn) đã mang lại cho người dân nơi đây thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ/năm.

Là xã có vùng đất cát trải dài ven biển, rất khó lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, nên giá trị sản xuất từ nông nghiệp luôn rất thấp. Vì vậy, khi cây măng tây, một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, “bén duyên” thành công trên vùng đất cát ven biển Mộ Đức đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.

Sau hơn 1 năm triển khai và thấy được hiệu quả mà cây măng tây mang lại, nông dân các xã ven biển như Đức Chánh, Đức Phong, Đức Thắng... đã tổ chức thành lập tổ hợp tác sản xuất măng tây, liên kết với doanh nghiệp tạo ra được chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP.

“Măng tây chịu được đất cát, nên rất dễ trồng, giá bán lại cao, được doanh nghiệp bao tiêu tại chỗ, vì thế thu nhập từ măng tây ổn định hơn hẳn các loại cây trồng trước đây. Đặc biệt, đây là loại cây chỉ trồng 1 lần mà thu hoạch được 9 – 10 năm, nên nông dân chúng tôi chỉ đầu tư cây giống một lần”, anh Nguyễn Văn Thê, thôn Dương Quang, xã Đức Thắng chia sẻ.

Tại xã bãi ngang ven biển Bình Hải (Bình Sơn), nơi được xem là “thủ phủ” hành tím của tỉnh, việc xác định đúng cây trồng phù hợp với chân đất cát ven biển đã giúp người dân có thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng/hộ/năm. Hiện toàn xã có hơn 400 hộ trồng hành, với diện tích hằng năm lên đến 180ha, sản lượng trên 1.800 tấn/năm.

“Củ hành tím càng ngày càng có giá. Nếu như những năm trước, giá hành chỉ khoảng 20 – 25 nghìn đồng/kg, thì năm nay hành tím đã tăng lên 50.000 đồng/kg”, bà Ngô Thị Tuyết, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải cho biết.

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy đăng ký nhãn hiệu “Hành tím Bình Hải” và để chắp cánh cho nông sản địa phương, UBND huyện Bình Sơn đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế triển khai Dự án “xây dựng vùng chuyên canh sản xuất củ hành tím đạt tiêu chuẩn VietGAP”, với diện tích 20ha, gần 100 hộ đăng ký tham gia dự án này.

Nhắc nhau gìn giữ môi trường

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, người dân ở những vùng cát trắng còn chung sức, chung lòng cải thiện môi trường, gìn giữ “biển xanh, cát trắng” cho thế hệ mai sau.

Trước việc rác thải sinh hoạt tại địa phương không có đơn vị thu gom, Xã đoàn Bình Hải và Chi đoàn thôn Phước Thiện (xã Bình Hải) đã đề xuất mô hình “Xe rác Thanh niên” nhận nhiệm vụ thu gom rác thải tận nhà cho bà con và chở về nơi tập kết để xử lý.

Chỉ sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, mô hình đã lan tỏa, nhân rộng ra các thôn khác trong xã là An Cường, Thanh Thủy... và cơ bản giải quyết được “bài toán” thu gom rác thải sinh hoạt cho người dân địa phương.

Không chỉ đóng góp kinh phí thu gom rác thải, người dân  còn tiếp tục hưởng ứng, tham gia phong trào “Tử tế với Phước Thiện 1” bằng cách ra quân dọn sạch rác thải ứ đọng lâu năm tại bãi biển của thôn.

Sự tử tế với môi trường biển không chỉ diễn ra ở Bình Hải, mà còn nhân lên tại nhiều “vùng cát trắng” trên địa bàn tỉnh. Đó là dự án “Tử tế với Sa Cần” do người dân thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) phát động, thu hút người dân địa phương và nhiều người Quảng xa quê đồng lòng hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của thực hiện “400 giờ làm sạch biển Sa Cần” và hỗ trợ thùng rác, cây xanh cho người dân.

Đó còn là những “mạnh thường quân” sinh ra từ làng chài Bình Châu (Bình Sơn) sẵn sàng hỗ trợ gần cả trăm triệu đồng lắp đặt camera an ninh, xây dựng khu vực chứa rác thải tập trung... để việc thu gom, xử lý rác tại địa phương đi vào quy củ.

Nhờ thủy chung gắn bó và luôn một lòng vì việc chung; những người dân chất phát nơi xứ biển đã thay đổi được diện mạo quê hương, đưa ký ức về miền cát trắng nghèo nàn, khô cằn ngày xưa lùi xa vào dĩ vãng.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 

.