Khắc phục "thẻ vàng" thủy sản: Vẫn còn ngổn ngang (kỳ 1)

10:09, 26/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cuối tháng 10.2017, Ủy ban Châu Âu (EC) áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam vì việc khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong 2 năm qua, song những lỗ hổng trong công tác quản lý và khai thác thủy sản trong cả nước nói chung, trên địa bàn Quảng Ngãi nói riêng vẫn chưa được khắc phục.
TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Ngổn ngang hạ tầng nghề cá

Từ tháng 12.2017 đến nay, Quảng Ngãi không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác thủy sản. Tuy nhiên, việc thực hiện các khuyến nghị của EC về “thẻ vàng” IUU vẫn chưa đạt yêu cầu.

“Còn 4 nội dung khuyến nghị của EC mà tỉnh ta chưa đáp ứng, chủ yếu là hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản không đáp ứng yêu cầu về truy xuất sản phẩm; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; nguồn nhân lực quản trị còn rất nhiều vấn đề... Nguyên nhân là việc tháo gỡ “thẻ vàng” IUU hiện chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, chưa tập trung đầu tư nâng cấp và cải thiện cơ sở hạ tầng nghề cá”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết.

Nghịch lý cảng cá

Dù hình thành tự phát, nhưng cảng Sa Cần và một số bến cá tự phát trên địa bàn tỉnh lại hoạt động tấp nập, mỗi năm tiếp nhận hàng nghìn lượt tàu công suất lớn xuất bán thủy sản. Trong khi đó, 4 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền được Bộ NN&PTNT chỉ định là Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và Mỹ Á, Sa Huỳnh (Đức Phổ) thì chỉ “đón” một số tàu công suất nhỏ. Nguyên nhân do 4 cảng cá này không đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, cũng như các điều kiện an toàn để tàu cập bến.

Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) chưa đáp ứng các tiêu chí theo quy định.
Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) chưa đáp ứng các tiêu chí theo quy định.

Ngoài tiêu chí "có nơi tập trung tàu thuyền", 4 cảng cá chỉ định hiện vẫn chưa đáp ứng các điều kiện phân loại cảng cá loại 2 theo Điều 78 của Luật Thủy sản 2017. Đó là, diện tích không đảm bảo, chưa có trang thiết bị phục vụ cho bốc dỡ hàng hóa, luồng lạch vào cảng thường xuyên bị bồi lấp, không có nhà phân loại cá, không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy...

Chính vì vậy, sản lượng thủy sản qua cảng không đạt yêu cầu, thấp hơn 15 nghìn tấn/năm. Năm 2018, lượng hàng thủy sản qua cảng cá Tịnh Kỳ chỉ đạt 6.840 tấn, cảng cá Sa Huỳnh là 10.137 tấn, cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á là 1.011 tấn, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa là 3.143 tấn.

Ngoài ra, theo Luật Thủy sản 2017 và khuyến nghị của EC, thì tại các cảng cá chỉ định phải có văn phòng Kiểm soát nghề cá để thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác và hỗ trợ hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân cũng như các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chế biến, kinh doanh thủy sản.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 2/4 văn phòng kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Sa Huỳnh và Tịnh Kỳ. Không những thế, tại 2 văn phòng này, nhà làm việc tạm bợ, nguồn nhân lực mỏng, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát nghề cá. Do đó, việc thực hiện các thủ tục trước khi cho tàu cập bến cho ngư dân không kịp thời, nên số lượng tàu cá cập về 2 cảng trên không nhiều.

Năm 2018, số tàu cá cập 2 cảng Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ chỉ đạt gần 300 lượt. Trong khi thực tế, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân Quảng Ngãi năm 2018 là trên 234 nghìn tấn, với trên 3.500 tàu có công suất từ 90CV trở lên.

Một số ngư dân cho rằng, 4 cảng cá chỉ định khá nhỏ, việc tàu công suất lớn hay tàu có hệ thống ngư cụ cồng kềnh cập vào những cảng này sẽ không đảm bảo các điều kiện an toàn. Vì thế, họ không đưa tàu về các cảng chỉ định.

Mua bán tự phát

Không chỉ bến cá tư nhân, mà tại 4 cảng cá chỉ định, việc mua bán thủy sản lâu nay diễn ra kiểu ngư dân và thương lái tự thỏa thuận, chứ không thực hiện niêm yết giá hải sản theo quy định. Vì thế, tình trạng ép giá, tranh mua, tranh bán thường xuyên xảy ra.

“Ngư dân bám biển dài ngày, nên khi tàu cập cảng là lo tập trung bán hải sản, để có tiền trang trải chi phí chuyến biển. Nhiều khi thương lái thu mua thấp hơn thị trường 2 - 3 giá, nhưng mình cũng đành chịu chứ biết làm sao”, ngư dân Nguyễn Văn Hạnh, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) cho biết.

Hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá tại tất cả các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng các yêu cầu của EC.
Hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá tại tất cả các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng các yêu cầu của EC.

Thực tế, trong số 4 cảng cá chỉ định, thì cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Kỳ và cảng cá Tịnh Hòa đã từng được ngư dân kỳ vọng vừa là nơi tập trung tàu cá, vừa hình thành hoạt động mua bán sản phẩm và dịch vụ hậu cần nghề cá quy củ.

Thế nhưng sau 5 năm đưa vào hoạt động, cảng cá Tịnh Hòa chỉ là nơi tập kết tàu thuyền neo đậu, chứ chưa có nhiều đầu mối tiêu thụ hải sản, cũng như các dịch vụ hậu cần nghề cá. Còn cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Kỳ cũng khiến ngư dân “vỡ mộng”, vì cảng được thiết kế phục vụ tàu công suất từ 250CV trở xuống, trong khi toàn tỉnh hiện có hàng nghìn tàu cá có công suất từ 300CV trở lên!

Trong khi đó, cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn), vốn là cảng không thuộc sự quản lý của Sở NN&PTNT lại trở thành trọng điểm mua bán hải sản và các nhu yếu phẩm cho ngư dân. Tuy nhiên, vì là cảng tự phát, nên giá nhiên liệu và thực phẩm được thương lái tự ý điều chỉnh, liên tục “nhảy múa” theo... mùa biển! Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của ngư dân, mà còn tác động tiêu cực đến hoạt động truy xuất nguồn gốc hải sản theo khuyến nghị của EC.

 “Thương lái và ngư dân cho rằng, họ không có nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nên cập cảng Sa Kỳ cho tiện. Nhưng hiện nay, không chỉ Liên minh Châu Âu, mà hầu hết các nước nhập khẩu thủy sản đều yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, tình trạng “thích đâu cập (tàu) đó, tiện đâu bán (sản phẩm) đó” của ngư dân và thương lái sẽ khiến nghề cá của tỉnh tự làm khó mình và sẽ không đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu”, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn lý giải.

Mặc dù những bất cập này đã được Chi cục Thủy sản tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT, kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, đầu tư nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị các cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền, nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của ngư dân, cũng như các khuyến nghị của EC.

Tuy nhiên, vì thiếu nguồn lực, nên gần 2 năm kể từ khi EC áp dụng “thẻ vàng” IUU, hạ tầng nghề cá trên địa bàn tỉnh vẫn không có gì thay đổi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU chung của cả nước, mà còn tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống của ngư dân trên địa bàn tỉnh.

Bốn cảng chỉ định có nguy cơ dừng hoạt động

Dù được Bộ NN&PTNT chỉ định là cảng có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản, nhưng hiện 4 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng các điều kiện phân loại cảng cá loại 2. Nếu không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, thì theo Luật Thủy sản 2017, 4 cảng chỉ định trên địa bàn tỉnh chỉ được phép hoạt động đến ngày 30.9.2020.

  Bài, ảnh: MỸ HOA
 

------------------
*Kỳ cuối: Chạy đua để gỡ thẻ
 

 


.