(Báo Quảng Ngãi)- Từ những sản phẩm chỉ được bày bán quanh quẩn ở làng, thì giờ đây những đặc sản như ớt xiêm, gừng gió Tây Trà, nén Bình Phú (Bình Sơn), nước mắm Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi)... đã bứt phá tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ớt xiêm của người Cor hút hàng
Lần đầu tiên mang sản phẩm ớt xiêm Tây Trà của công ty đến Hội chợ Triển lãm sản phẩm núi Ấn - sông Trà 2019, anh Hồ Văn Sự, ở xã Trà Xinh (Tây Trà) không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi khai mạc hội chợ, anh cùng các cộng sự đã tất bật với việc bán hàng khi khách hàng tham quan và mua ớt xiêm ngày một đông.
Sáng mang ớt xuống phố, đến giữa giờ chiều đã bán hết sạch, vì thế người của công ty tiếp tục đưa hàng xuống hội chợ để cung ứng. Chỉ vài ngày diễn ra hội chợ, hàng tạ ớt xiêm Tây Trà của quê hương anh được khách hàng mua hết.
Đặc sản ớt xiêm, gừng gió Tây Trà được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Anh Sự cho hay: Ớt xiêm mình bán là giống ớt bản địa, trong quá trình trồng không sử dụng thuốc hóa học, do công ty liên kết với nông dân trên địa bàn huyện. Tại hội chợ, ớt được bán với giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Sau 6 tháng triển khai theo hình thức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, ớt xiêm đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Được chính quyền tạo điều kiện, mình mạnh dạn mang xuống phố tìm kiếm thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Tây Đại Sơn Phạm Trung Dũng chia sẻ: Ớt xiêm Tây Trà là đặc sản của người Cor. Ngày trước sau khi hái về, bà con chủ yếu mang ra ven đường bày bán. Nhằm giúp nông dân, đồng thời cũng tìm hướng khởi nghiệp mới cho chính mình, chúng tôi ký hợp đồng liên kết sản xuất với UBND xã Trà Xinh sản xuất ớt xiêm.
Sản phẩm do chính tay đồng bào Cor chăm sóc dưới sự huớng dẫn của nhân viên công ty. Nhiệm vụ của mình là tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu. Sự liên kết nhịp nhàng giữa Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp bước đầu đã mang lại hiệu quả. Ớt xiêm Tây Trà vốn có mùi vị rất đặc trưng, tôi hy vọng trong tương lai không xa ớt xiêm Tây Trà sẽ trở thành một sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn vươn ra cả nước.
Nước mắm làng vào thành phố
Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nước mắm, anh Cao Đình Du, ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) vẫn còn nhớ những ngày trước, nước mắm của ông nội mình làm ra, mặc dù rất ngon, nhưng chỉ bán quanh quẩn trong làng. Anh Du kể: Nước mắm làm thủ công, nên số lượng làm ra rất khiêm tốn, chỉ mang đi bỏ mối ở các chợ trong xã, bán lẻ cho bà con hàng xóm láng giềng, nên hiệu quả kinh tế không cao.
Một thời gian dài, nghề làm nước mắm của gia đình bị ngưng lại. Không muốn nghề truyền thống của gia đình thất truyền, hơn ba năm nay, những người trong gia đình anh Du dốc tâm sức gầy dựng lại nghề làm nước mắm cá cơm truyền thống.
Cũng là lần đầu tiên mang sản phẩm của mình đến Hội chợ Triển lãm sản phẩm núi Ấn - sông Trà 2019, anh Cao Đình Du chia sẻ: Cá cơm được ngư dân Quảng Ngãi mình đánh bắt rất nhiều. Nguồn nguyên liệu có sẵn ở quê hương lại rất tươi, giá bán cũng rẻ vì không phải qua nhiều khâu trung gian, cộng với kinh nghiệm làm nước mắm truyền thống từ lâu đời của gia đình, mình tự tin sản phẩm của gia đình làm ra sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Mỗi năm cơ sở nước mắm của gia đình anh Du xuất ra thị trường 200.000 lít nước mắm truyền thống, tiêu thụ nhiều nhất ở TP.Hồ Chí Minh. Anh Cao Đình Du cho hay: Bây giờ không phải như trước nữa, muốn bán được sản phẩm thì phải dày công quảng bá, xây dựng thương hiệu.
Chúng tôi mang sản phẩm đến hội chợ với mong muốn người dân trong tỉnh biết đến thương hiệu nước mắm SAKYDO (Sa Kỳ đó). Người tiêu dùng ủng hộ, tin tưởng thì những người làm nước mắm quê tôi sẽ sống được với nghề, góp phần phát triển hơn nữa nghề truyền thống của quê hương.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN