Đưa nhiều mô hình kinh tế mới về địa phương

10:06, 19/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, UBND huyện Mộ Đức đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn đa dạng về các giống cây trồng, vật nuôi, giúp hình thành và lan tỏa nhiều phương thức sản xuất tiến bộ, tạo diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Trong năm 2019, UBND huyện Mộ Đức đã trích hơn 1,1 tỷ đồng để triển khai thêm 6 mô hình khuyến nông mới. Trong đó, có mô hình nuôi ruồi lính đen, nuôi cá chình thương phẩm và trồng thử nghiệm rong nho.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tưởng cho hay: “Tất cả các mô hình được đầu tư năm 2019 đều dựa trên sự thành công từ các mô hình đã có. Với các mô hình mới, lãnh đạo huyện đã tính toán và chọn những địa phương có điều kiện thích hợp để thực hiện. Nếu thành công thì sẽ được nhân rộng ở các địa phương khác”.

Ấu trùng hay còn gọi là sâu can xi từ mô hình nuôi ruồi lính đen giúp cung cấp lượng đạm phong phú trong chăn nuôi.
Ấu trùng hay còn gọi là sâu can xi từ mô hình nuôi ruồi lính đen giúp cung cấp lượng đạm phong phú trong chăn nuôi.

Xã Đức Phong là địa phương được chọn để thực hiện nhiều mô hình khuyến nông trong năm 2019, với mô hình nuôi vịt Đại Xuyên và trồng thử nghiệm rong nho đã và đang được triển khai thực hiện. Trong đó, mô hình trồng thử nghiệm rong nho là mô hình mới, được triển khai hơn 1 tháng qua tại xã Đức Phong. Rong nho biển còn được gọi là "trứng cá hồi xanh", một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và sử dụng dưới dạng tươi sống.

Trước khi thực hiện mô hình này, địa phương đã được tập huấn kỹ thuật cũng như các phương pháp chế biến, bảo quản rong nho biển. Mô hình này được trồng trong bể composite, cách chế biến và bảo quản rong nho biển phù hợp với điều kiện của địa phương và góp phần tạo ra sản phẩm mới cho người dân xã Đức Phong.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong Đinh Văn Bé cho biết: “Với diện tích đất nông nghiệp rộng và là xã bãi ngang ven biển, nên địa phương rất phù hợp với nhiều mô hình khuyến nông, nông nghiệp. Tuy nhiên, để các mô hình này đạt hiệu quả, huyện cần tập huấn cho người dân. Riêng mô hình nuôi vịt Đại Xuyên do tỉnh hỗ trợ, xã đang khảo sát và tiến hành triển khai đến các hộ dân”.

Tháng 4 vừa qua, mô hình nuôi ruồi lính đen được triển khai đầu tiên tại một hộ dân ở thị trấn Mộ Đức. Đây được xem là một trong những mô hình khó, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất cao. Khi ruồi lính đen được nuôi sẽ sinh sản ra một loại ấu trùng có tên là sâu can xi. Loại sâu này có tỷ lệ đạm từ 40 - 47%, rất phù hợp cho việc nuôi các loại gia cầm, gia súc khác.

Là người trực tiếp thực hiện và theo dõi mô hình này, anh Nguyễn Thanh Quang - Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mộ Đức cho hay: “Mô hình này được chúng tôi học hỏi từ huyện Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh). Loại ruồi này không gây hại, không gây ô nhiễm môi trường. Thức ăn chủ yếu của chúng là nước đường và ấu trùng sẽ ăn các loại trái cây để lớn. Vòng đời của loại ruồi này chỉ từ 45 - 50 ngày và sinh trưởng rất nhanh. Do đó, nếu muốn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thì đây là mô hình kết hợp hiệu quả để tăng lượng đạm trong chăn nuôi”.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU

 


.