Chuyển đổi cây trồng trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu có kinh tế cao là sự linh hoạt của nông dân Tịnh Châu (Sơn Tịnh). Trên cơ sở đó, nông dân, lại áp dụng hình thức trồng ớt phủ bạt (mà họ học được từ các hộ trồng dưa hấu) đem lại năng suất cao...
Nông dân Tịnh Châu trồng ớt phủ bạt được mùa. |
Ông Đặng Văn Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu cho biết: Từ một vài khoảnh hoa màu của bà con trồng, sau khi chăm bón đã lên xanh mượt, bà con vui lắm. Chính quyền xã liên hệ với cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng thêm. Đến khi cán bộ khuyến nông xuống hướng dẫn kỹ thuật triển khai mở rộng diện tích trồng hoa màu, thì nhiều người phấn khởi đến xã đăng ký tham gia. Và dân tiến hành đào ao, vét giếng trồng hoa màu.
Từ thực tế đồng đất và được trang bị kỹ thuật trồng hoa màu, nên cánh đồng Tịnh Châu biến thành đồng rau màu tươi tốt. Qua nhiều vụ sản xuất, trong số nhiều loại rau màu những nông dân có kinh nghiệm quyết định chọn cây ớt là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, để trồng đại trà. Thế nhưng trong mùa trồng ớt, gặp một cơn mưa lớn là cây ớt ngã đổ, nên nhiều người đã tìm cách khắc phục.
Ông Nguyễn Cư - người trồng ớt phủ bạt đầu tiên trên vùng đất Tịnh Châu, cho biết: "Cây ớt đem lại thu nhập cao, nhưng chỉ trồng được trong mùa nắng. Mùa nắng thì tốn nhiều công chăm sóc, làm cỏ, bón phân, tưới nước thường xuyên; mùa mưa nước xối trôi dạt đất, cây ớt ngã. Thế rồi khi thấy những hộ trồng dưa ven sông Trà và trên những cánh đồng Tịnh Thọ đều phủ bạt, hạn chế được sự xói lở gốc rễ khi trời mưa xuống, mình đã áp dụng làm theo". Ban đầu chi phí cho một sào trồng ớt phủ bạt, ông tốn khoảng gần 1 triệu đồng (riêng mua bạt để phủ trên dông đất đã mất hơn 200 ngàn đồng). Số tiền chi phí quá lớn so với một sào đất trồng hoa màu, nhưng đến khi thu hoạch 1 sào bình quân thu 1 tấn ớt tươi tăng gấp 5 lần so với chi phí, nên nhiều người đã mạnh dạn trồng ớt đại trà. Từ đó trồng ớt phủ bạt đã lan rộng khắp các cánh đồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa (đội 4 ở thôn Phú Bình), nói trong niềm vui: Ở vùng này, ngày trước ai cũng nghèo khó như nhau. Nếu làm được ngôi nhà thì ai cũng thiếu nợ. Riêng ông làm nhà cũng vay thêm 30 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố hơn. Thế rồi khi thấy ông Cư và mọi người trồng ớt phủ bạt đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hòa đã làm theo. Vụ đầu tiên cây ớt được trồng trên đất lạ, đã cho năng suất khá cao. Rồi qua hai năm trồng ớt phủ bạt, ông đã dành dụm trả được 30 triệu đồng. "Giờ thì khỏe rồi, chỉ còn cố công làm ăn để cuộc sống khá hơn thôi"-Ông Hòa bảo. Trong số những người trồng ớt phủ bạt đem lại kinh tế cao, có cuộc sống khá còn có các ông Phạm Thân, Hồ Mỹ, Nguyễn Anh, Đỗ Văn Giai... ở thôn Mỹ Lộc và nhiều hộ khác.
Trồng ớt phủ bạt trên đất Tịnh Châu đem lại hiệu quả kinh tế cao là sự linh động trong cách nghĩ, cách làm của nông dân địa phương. Trong 2 năm qua nông dân Tịnh Châu đã trồng loại ớt có tên gọi là "Hai mũi tên" thuộc loại trang nông 16 của Công ty hai mũi tên (thành phố Hồ Chí Minh) bán giống. Loại ớt giống này có ưu việt hơn các loại giống khác là màu sắc đẹp, chín đỏ mọng, trái cứng, vỏ dày, được thị trường ưa chuộng. Trong quá trình gieo trồng có đặc điểm chống chịu đổ ngã, ít sâu bệnh, lợi nước, ít bón phân mà năng suất lại cao... Ông Nguyễn Cư - người trồng ớt trái vụ bộc bạch: Năm vừa qua nhà trồng 3 sào ớt trong mùa mưa, xuống giống từ tháng 9 - 12 thu hoạch bán trong dịp tết và tháng giêng, có giá 35.000 đồng/ kg, cao hơn vụ mùa đến 3 lần. đến nay nông dân Tịnh Châu đã trồng ớt phủ kín trên diện tích khoảng 30 ha, tăng từ 20 -24 ha so với 5 năm về trước.
Từ việc trồng ớt phủ bạt trên đồng đất Tịnh Châu cho thấy kỹ thuật canh tác không chỉ áp dụng cho cây ớt mà còn có thể áp dụng trên các loại rau: Khổ qua, dưa leo, đậu côve... để hạn chế công chăm bón và lợi đủ thứ (ít tưới nước, ít cỏ). Mưa thì rau vẫn giữ phân trong gốc, nắng thì giữ nước, đất luôn tơi xốp, nên rau lúc nào cũng xanh tốt. Đó là sự sáng tạo của nông dân ở ven sông Trà.