Mộ Đức tìm hướng đi cho các làng nghề truyền thống

04:06, 08/06/2009
.
Mộ Đức là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh hiện còn lưu giữ và phát triển nhiều làng nghề truyền thống như: Chế biến mắm, sản xuất gạch ngói, trồng dâu nuôi tằm, đan võng sợi… Tuy nhiên tốc độ phát triển của các nghề hiện nay còn chậm và chưa vững chắc.

 

Nghề truyền thống.
Nghề truyền thống.
Mặt khác chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu của một số sản phẩm chưa cạnh tranh được với thị trường, do vậy nhiều ngành nghề dần bị mai một…  

 

Trên địa bàn huyện Mộ Đức hiện có 2.123 hộ kinh doanh cá thể, với 3.891 lao động hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung và hàng chục làng nghề mới phát triển. Các làng nghề của huyện ngày càng chuyển biến tích cực, giá trị tổng sản lượng thực hiện luôn tăng lên từng năm. Nhiều làng nghề có doanh thu cao như: Chế biến hải sản Đức Lợi, làm bánh tráng, gạch ngói, đan võng sợi… Nhưng cũng có không ít làng nghề đã dần mai một, do nhiều nguyên nhân như nghề trồng dâu nuôi tằm và nghề đúc đồng ở Đức Hiệp,  mạch nha Đồng Cát, mây tre đan…

 

Tại làng nghề chế biến hải sản xã Đức Lợi  hiện có hơn 600 hộ chế biến mắm các loại, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, trong đó có 25 cơ sở đã đăng ký thương hiệu. Hằng năm làng nghề ở xã ven biển này sản xuất ra thị trường từ 3-3,5 triệu lít nước mắm, tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, với doanh thu khoảng 16 tỷ đồng. Để tạo điều kiện cho làng nghề này phát triển, UBND huyện Mộ Đức đã quy hoạch và đầu tư kinh phí trên 500 triệu đồng, để xây dựng làng chế biến mắm tập trung trên diện tích 2 ha ở thôn Vinh Phú. Hiện nay đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đang xây dựng cơ sở hạ tầng. Các ngành chức năng ở huyện cũng đã lập kế hoạch để xây dựng thương hiệu nước mắm Đức Lợi.

 

Xưa nay nhiều người dân các xã Đức Nhuận, Đức Chánh sống nhờ vào nghề sản xuất gạch ngói. Hiện nay trên địa bàn huyện còn 108 lò sản xuất gạch thủ công, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động. Hằng năm số lò gạch này sản xuất hơn 63 triệu viên gạch, có doanh thu trên 25 tỷ đồng. Còn người dân Đức Thạnh thì có làng nghề làm bánh tráng ở Thi Phổ (với 30 hộ), hằng năm có doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra ở các xã, thị trấn còn có các nghề khác như: mộc dân dụng, sơ chế nguyên liệu ván ép, nguyên liệu giấy, nông cụ cầm tay, chế biến nông lâm sản (xay xát, ép dầu, làm nấm, ấp trứng), giày da, may mặc, điện tử... và phát triển một số nghề mới như: Sản xuất nhang, trầm, quế Tấn Nhứt ở xã Đức Lân (có 30 lao động, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm); cắt tách hạt điều của cơ sở Ngọc Tâm - xã Đức Lân (có 80 lao động, doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm); nghề chế biến lâm sản xuất khẩu của Công ty TNHH Quang Thọ (có 100 lao động, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm); nghề sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp của cơ sở Quỳnh Phong (có 20 lao động, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/năm).

 

Thực tế hiện nay trên địa bàn huyện Mộ Đức chưa có một nghề thủ công truyền thống nào được công nhận là làng nghề. Kể cả nghề chế biến mắm ở Đức Lợi đang được xem là hoạt động có hiệu quả nhất hiện nay trong số các ngành nghề ở huyện Mộ Đức. Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề còn gặp nhiều khó khăn. Do sự tiếp cận thị trường còn nhiều hạn chế, nên các làng nghề phát triển chậm và chưa vững chắc. Mặt khác chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu của một số sản phẩm chưa cạnh tranh được với thị trường. Trong những năm gần đây một số sản phẩm do các làng nghề sản xuất ra tiêu thụ rất chậm, nên giải quyết việc làm trên địa bàn huyện cũng gặp khó khăn.

 

Huyện Mộ Đức đang tìm hướng đi cho các làng nghề truyền thống ở địa phương phát triển. Theo đó từ nay đến năm 2010, huyện tiếp tục phổ biến các chính sách đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề của tỉnh và chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư của huyện đối với các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà đầu tư để được tiếp cận đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn huyện.

 

Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 06 của Huyện ủy Mộ Đức về tăng cường sự lãnh đạoủa Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại & dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2006-2010.

 

Hiện nay huyện Mộ Đức đã cho chủ trương quy hoạch, bố trí sắp xếp lại các làng nghề sản xuất gạch ngói trên địa bàn huyện theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất (lò nung liên tục kiểu đứng, tuynel....), để hạn chế thấp nhất đến môi trường. Trong đó tập trung quy hoạch 2 điểm tại các xã Đức Chánh và Đức Hiệp. Huyện sẽ hoàn thành và củng cố các ngành, làng nghề có khả năng phát triển như: Làng nghề chế biến hải sản xã Đức Lợi, làng nghề sản xuất bánh tráng xã Đức Thạnh, làng nghề sản xuất chổi đót ở xã Đức Phong và nghề sản xuất nhang, trầm, quế ở xã Đức Lân.

 

Trước mắt, để tạo điều kiện thực hiện các mục tiêu này, huyện Mộ Đức cần được hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới về sản xuất bánh tráng, xây dựng lò nung gạch liên tục kiểu đứng và tham quan học tập mô hình sản xuất nước mắm, thêu đan ở các tỉnh bạn và đào tạo nghề mới cho lao động tại các địa phương...

                   Diễm trang

 


.