Thương lắm tình quê

01:10, 18/10/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học, với mỗi tân sinh viên nghèo và gia đình là niềm hạnh phúc lớn lao nhưng đi cùng với đó là bao nỗi lo lắng về chặng đường học tập sắp đến, nhất là ở nơi đất khách, quê người. Thế nhưng, trong những lúc khó khăn, bơ vơ và lạc lõng giữa thành phố lớn, các tân sinh viên nghèo, trúng tuyển vào các trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh như được tiếp thêm động lực từ các thế hệ đồng hương. 
 
[links()]
 
Mới đây, Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh; CLB Về với quê mình; Tổ ấm Hồng Lam; CLB Sinh viên Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh; CLB Kết nối yêu thương; Nhóm thiện nguyện Trụ lại Sài Gòn… cùng nhiều doanh nhân, nghệ sĩ, trí thức, những người con Quảng Ngãi hiện đang sinh sống và làm việc ở TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp, tổ chức Chương trình văn nghệ “Thương lắm tình quê”.
 
Đây được xem là một trong những chương trình văn nghệ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do các tổ chức hội đồng hương thực hiện; là dịp để người đồng hương gặp gỡ, giao lưu với nhau, trao gửi yêu thương đến tân sinh viên nghèo, vượt khó, học giỏi.  
 
Một tiết mục trong Chương trình văn nghệ Thương lắm tình quê.
Một tiết mục trong Chương trình văn nghệ Thương lắm tình quê. Ảnh: BTC cung cấp.
 
Niềm vui của tân sinh viên
 
“Mẹ em mắc bệnh hiểm nghèo. Cha gồng gánh nuôi gia đình. Hoàn cảnh khó khăn là trở ngại lớn nhất để em bước vào giảng đường đại học”; “Em không có cha. Mẹ phải vào Sài Gòn bán vé số, nuôi em đi học trong 18 năm qua. Chừng ấy thời gian, em sống với bà ngoại”; “Khi cha mất thì gia đình càng khó khăn về kinh tế. Để có tiền phụ mẹ trang trải học phí, em phải đi làm thêm”… những lời chia sẻ hết sức đáng thương về hoàn cảnh của tân sinh viên nghèo được trích trong hàng trăm lá thư gửi về Ban tổ chức (BTC), đề nghị xét duyệt học bổng. Mỗi em một hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung nghèo khó, học giỏi và khát khao được đến trường, gửi gắm tương lai vào giảng đường đại học. 
 
Trong số những hoàn cảnh ấy, hoàn cảnh của em Cao Thị Mỹ Hiếu (18 tuổi), tân sinh viên Trường ĐH Lao động Xã hội là đặc biệt hơn cả. Những ai từng tiếp xúc đều xúc động và thán phục trước nghị lực vượt khó của em. Hiếu kể lại, khoảng thời gian cách đây 13 năm về trước vẫn còn ám ảnh 3 chị em.
 
Năm ấy, vì hoàn cảnh quá khó khăn, cha mẹ Hiếu rời quê nhà ở xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) vào tỉnh Bình Dương mưu sinh. Một đêm nọ, sau 3 tháng đặt chân đến nơi đất khách, quê người, cha mẹ Hiếu qua đời trong căn phòng trọ. Cả hai ngủ quên trong lúc chạy rô-đa cho chiếc xe máy nên bị ngạt khí. Lúc đó, Hiếu vừa 5 tuổi, dù chưa cảm nhận hết nỗi đau như các chị, nhưng em biết rằng mình vĩnh viễn mất đi những người thân yêu nhất, không còn được gọi hai tiếng mẹ, cha.
 
Hiếu chia sẻ tại chương trình.
Em Cao Thị Mỹ Hiếu, một trong những tân sinh viên được nhận học bổng, chia sẻ niềm vui tại chương trình. Ảnh: BTC cung cấp.

Kể từ ngày gia đình gặp nạn, chị gái đầu của Hiếu gác lại chuyện học hành, đi làm kiếm tiền, chăm lo cho các em. Bản thân em ý thức rất rõ, chỉ có học hành mới là con đường duy nhất vượt qua số phận. Vì thế, suốt nhiều năm qua, Hiếu luôn là học sinh tiêu biểu ở trường. Sau giờ học, em còn ra chợ phụ giúp tiểu thương bán giày dép, kiếm tiền trang trải học phí.

“Trường ĐH Lao động Xã hội là lựa chọn ưu tiên của em vì có mức học phí phù hợp. Tuy vậy, với chi phí đắt đỏ của một thành phố lớn, để có tiền trang trải cuộc sống và nộp học phí mỗi kỳ cũng chẳng dễ dàng gì với mấy chị em, trong khi chị gái kề em cũng đang học đại học ở Đà Nẵng”, Hiếu bày tỏ. 
“Học bổng là niềm vui nối dài sau khi em nhận được thông báo trúng tuyển vào một ngôi trường có chất lượng đào tạo hàng đầu tại TP.Hồ Chí Minh. Nhận học bổng là nhận niềm tin. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng những người đã dành cho mình sự quan tâm và yêu thương”.
 
Em HUỲNH THỊ TUYẾT MAI, xã Bình Nguyên (Bình Sơn)
Tân sinh viên Trường ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh

Thông qua sự kết nối của chương trình, Hiếu được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên và Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) trao tặng với 5 triệu đồng. Từ hôm nhận được học bổng, Hiếu xúc động, mừng vui khó tả. 

Càng vui mừng hơn khi Hiếu còn được hỗ trợ từ Quỹ HuynhDa Family (Quỹ Gia đình của anh Huỳnh Văn Truyền, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Khiết) hỗ trợ toàn bộ học phí học đại học và chu cấp 2 triệu đồng mỗi tháng. 

Tấm lòng của đồng hương

Những năm qua, bằng nhiều kênh khác nhau, người Quảng Ngãi ở TP.Hồ Chí Minh đã không ngừng vận động, quyên góp, tạo quỹ và trao học bổng cho các tân sinh viên, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn, biết vươn lên trong cuộc sống. 

Theo Chủ nhiệm CLB Về với quê mình Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức, thành viên BTC của Chương trình văn nghệ Thương lắm tình quê, hơn 2 năm qua là khoảng thời gian khó khăn. Ảnh hưởng dịch bệnh, việc làm của nhiều người trở ngại. Năm học mới đến trùng với thời điểm với thiên tai, bão lũ ập đến, cuộc sống người dân nơi quê nhà vất vả hơn. Đường đến trường của các em ít nhiều bị ảnh hưởng. Chương trình “Thương lắm tình quê” được thực hiện trong thời điểm này càng thêm phần ý nghĩa.
 
Chương trình nhận được nhiều hỗ trợ từ các mạnh thường quân và các tổ chức hội đồng hương ở TP.Hồ Chí Minh.
Chương trình nhận được nhiều hỗ trợ từ các mạnh thường quân và các tổ chức hội đồng hương ở TP.Hồ Chí Minh để trao tặng học bổng cho các em. Ảnh: BTC cung cấp.
 
Từ khi phát động cho đến khi triển khai thực hiện, nhiều tổ chức cá nhân, tổ chức, mạnh thường quân đã ủng hộ kinh phí vượt dự kiến ban đầu, với hơn 635 triệu đồng. Điển hình, Báo Thanh Niên cùng Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) ủng hộ 100 triệu đồng, trích từ Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình; Quỹ học bổng Đoàn Thế Vinh ủng hộ 30 triệu đồng; Công ty CP Văn hóa Văn Lang ủng hộ 20 triệu đồng… Từ quê nhà Quảng Ngãi, gia đình nhà thơ Thanh Thảo gửi vào ủng hộ 10 triệu đồng.
 
BTC còn bán đấu giá bức tranh của họa sĩ Phạm Cung; áo và quả bóng có chữ ký của các cầu thủ trong đội tuyển bóng đá quốc gia... thu về 80 triệu đồng, gây quỹ học bổng cho các em. 
 
BTC tổ chức đấu giá bức tranh, áo và quả bóng có chữ ký của các cầu thủ
BTC đấu giá bức tranh, áo và quả bóng có chữ ký của các cầu thủ trong đội tuyển bóng đá quốc gia để gây quỹ học bổng cho tân sinh viên.  Ảnh: BTC cung cấp.

"Hiện nay, số lượng người dân Quảng Ngãi vào TP.Hồ Chí Minh học tập, làm việc, ở lại đây sinh sống rất đông, khoảng 400 - 500 nghìn người, tương đương với dân số của một quận. Từ đó, hình thành nên nhiều tổ chức đồng hương để các thế hệ đùm bọc với nhau. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các tân sinh viên. Mong rằng, trong những ngày tháng xa quê, khi khó khăn nhất, các em hãy luôn nhớ, còn có những người đồng hương luôn dang rộng cánh tay, ôm lấy và dìu dắt các em trên hành trình tri thức. Chính vì thế, các em hãy cố gắng, nỗ lực nhiều lên, đạt thành tích cao hơn nữa trong học tập, xứng đáng với truyền thống hiếu học của quê hương Quảng Ngãi".

Ông TRẦN ĐÌNH VĨNH
Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.Hồ Chí Minh.
 

Một chương trình văn nghệ mang đậm hồn quê hương, với sự tham gia của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ chuyên và không chuyên; sự góp vui của những người con Quảng Ngãi đã diễn ra ở Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận.

Trong không gian ấm áp, gần gũi, những người con xa quê quây quần bên nhau với những lời ca, điệu hát, gửi bao tâm tình về quê nhà; cùng chia sẻ, giao lưu sau một thời gian dài không gặp mặt do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đặc biệt, tại chương trình, BTC đã trao gần 40 suất học bổng các em, trung bình mỗi suất trị giá 3 triệu đồng trở lên. 

“Phần kinh phí còn lại, BTC sẽ tiếp tục xét duyệt và cam kết trao học bổng tận tay cho các em trong thời gian đến. Chúng tôi không kỳ vọng những suất học bổng này có thể giúp học sinh vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống nhưng sẽ tiếp thêm cho các em nghị lực trong những ngày đầu đặt chân đến mảnh đất TP.Hồ Chí Minh, điều mà chúng tôi đã từng trải qua hơn nửa thế kỷ trước”, ông Đức chia sẻ.
 
T.HẬU - M.LỰC

.