(Báo Quảng Ngãi)- Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong một thời gian ngắn, các địa phương trong tỉnh, nhất là vùng đô thị đã gia tăng đột biến việc tách thửa đất, với hơn 20 nghìn lô nền, gây nên tình trạng manh mún đất đai. Từ ngày 15/1/2022 trở đi, quy định mới về điều kiện tách thửa đất chính thức có hiệu lực, sẽ hạn chế được những bất cập, tránh tình trạng trục lợi chính sách về đất đai.
Hệ lụy của việc tách thửa
Từ năm 2017 - 2021, những mảnh đất nông nghiệp ở vùng nông thôn, vùng ven đô thị có thể tách thửa, hầu hết được giải quyết tách thửa. Hồ sơ thủ tục đơn giản, việc tiếp nhận và giải quyết trả kết quả loại hồ sơ này cũng được thực hiện nhanh chóng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh, trước năm 2017, do chưa có quy định cụ thể về điều kiện tách thửa đất nông nghiệp, nên người dân có nhu cầu thì huyện giải quyết. Sau thời gian này, huyện cũng có họp bàn và thống nhất khi có thông báo thu hồi đất thì không cho tách thửa nữa.
Người dân Sơn Tịnh làm thủ tục hồ sơ đất đai tại bộ phận “một cửa”. Ảnh: Thanh Nhị |
Theo Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh hình thành hàng loạt các khu dân cư tự phát có nguyên nhân từ việc chính quyền địa phương cho tách thửa tràn lan. Thậm chí, có một căn nhà trên một mảnh vườn cho tách thành 5 - 7 thửa; có 100m2 đất cho tách thành 2 - 3 thửa. Việc cho tách thửa tùy tiện gây nhiều hệ lụy cho công tác quản lý đất đai tại địa phương, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai các dự án. Rất nhiều dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách vướng giải phóng mặt bằng nhiều năm là do hậu quả của việc tách thửa tràn lan, tạo điều kiện cho một số người trục lợi chính sách.
Quy định mới về điều kiện tách thửa đất
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh ký ban hành Quyết định số 85/2021/QĐ-UBND quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/1/2022.
Theo quyết định này, chỉ đất ở mới được tách thửa, nếu là các loại đất khác phải có điều kiện đi kèm, cụ thể: Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp được hình thành từ việc tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu, phải đảm bảo điều kiện cụ thể theo quy định. Không được tách thửa đối với thửa đất có nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất mà khi thực hiện tách thửa có nhà, công trình nằm trên hai thửa đất trở lên (trừ các công trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, các công trình khác xây dựng tạm để phục vụ đời sống, sinh hoạt). Trường hợp tách thửa đất ở có hình thành mới đường giao thông, thì việc tách thửa đất được thực hiện theo các quy định cụ thể.
Về diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với thửa đất ở, diện tích tối thiểu không được nhỏ hơn 50m2 đối với đất ở tại đô thị. Đối với đất ở nông thôn có 2 mức là 50m2 hoặc 100m2 tùy thuộc vào vị trí đất. Các thửa đất tiếp giáp Quốc lộ 1, Quốc lộ 24, 24B, 24A, Tỉnh lộ 623B và huyện Lý Sơn, điều kiện tách thửa là diện tích phải đạt tối thiểu 50m2. Diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khu vực đô thị là 200m2; khu vực nông thôn 300m2.
Ông Nguyễn Đức Trung khẳng định, việc quy định điều kiện tách thửa là rất cần thiết, để thống nhất việc giải quyết các yêu cầu của người dân, đảm bảo cơ chế đất đai không bị trục lợi, làm phát sinh những phức tạp sau này cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thuận lợi cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khi thực hiện dự án, công trình; hạn chế tình trạng xé lẻ, manh mún đất đai như trước đây.
THANH NHỊ