(Báo Quảng Ngãi)- Thiếu sức khỏe, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập... là những trở ngại mà người khuyết tật (NKT) phải đối mặt hằng ngày. Tuy nhiên, bằng ý chí và nghị lực cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và cả cộng đồng đã giúp NKT có thêm động lực vượt qua khó khăn, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
[links()]
Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật
Phó Chủ tịch Hội NKT tỉnh Phan Thành Chung cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NKT khó tìm được việc làm, nhưng chủ yếu do hạn chế về sức khỏe, điều kiện đi lại, giao tiếp khó khăn... Có tình trạng NKT e ngại, thiếu tự tin nên không chủ động tìm việc làm để hòa nhập cộng đồng. Một số NKT tự khởi nghiệp bằng hình thức kinh doanh nhỏ nhưng thường thiếu ổn định, hiệu quả không cao. Trước thực trạng trên, thực hiện Luật người khuyết tật, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà; đặc biệt là mở các lớp học nghề dành riêng cho NKT, hỗ trợ NKT vươn lên trong cuộc sống...
Thời gian qua, Hội NKT tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như tư vấn, liên kết với một số tổ chức, doanh nghiệp kêu gọi nguồn vốn đào tạo nghề cho hội viên NKT. Hội NKT tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng hỗ trợ NKT và những nhóm yếu thế khác trong xã hội, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Mặc dù số vốn vay chỉ từ 4 - 5 triệu đồng/người, nhưng cũng giúp nhiều hội viên khuyết tật phát triển nghề nghiệp để có thu nhập.
Chị Đinh Thị Thuỳ Dung, ở thôn Năng Tây 1, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa), bị khuyết tật vận động đã mở tiệm tạp hóa để tạo thu nhập cho gia đình. |
Tiếp thêm niềm tin và động lực
Quảng Ngãi hiện có gần 80 nghìn NKT; trong đó có hơn 32 nghìn NKT được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Nhờ sự phối hợp của các cấp, ngành, sự đồng thuận, hỗ trợ của người dân, công tác chăm lo cho NKT khá đảm bảo. Có 100% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế; 80% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Người khuyết tật còn được trợ giúp pháp lý, tiếp cận các vấn đề về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm; phát hiện và can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp NKT... Nhờ đó, cùng sự nỗ lực vươn lên mà ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương NKT tiêu biểu, có thành tích trong học tập, lao động sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc...
Bên cạnh đó, Hội NKT tỉnh phối hợp với các cấp, ngành tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về Công ước quốc tế về quyền của NKT; về giới và bình đẳng giới, về các quyền của NKT... Qua đó, giúp NKT hiểu được vai trò của mình trong xã hội để thêm tự tin hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...
“Chính những việc làm thiết thực của Hội NKT và sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia kịp thời của cộng đồng xã hội đã giúp cho NKT lạc quan hơn, có thêm động lực, điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, NKT vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hội NKT tỉnh mong muốn, trong thời gian tới các cấp chính quyền có nhiều giải pháp giúp NKT tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ công cộng tại địa phương; được đào tạo nghề phù hợp với khả năng và theo nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng của NKT...”, ông Chung bày tỏ.
“Không ai bị bỏ lại phía sau”
Ngày Quốc tế Người khuyết tật (IDPD) được tổ chức vào ngày 3 tháng 12 hằng năm, nhằm khuyến khích sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của người khuyết tật và hành động vì sự hòa nhập, phát triển của người khuyết tật trong mọi mặt của xã hội. Hòa nhập khuyết tật là điều kiện cần thiết để duy trì quyền con người, sự phát triển bền vững, hòa bình và an ninh. Đó cũng là cam kết quan trọng của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
|
Bài, ảnh:
TRUNG ÂN