Đầu tư nhân ái

03:11, 21/11/2021
.

(Baoquangngai.vn)- Đây không phải là chuyện “kinh doanh lòng nhân ái”, hay “buôn lòng tốt” mà chúng ta nhiều khi vẫn nghe xảy ra ở đâu đó. Bởi đó là những hoạt động vụ lợi vì những lợi ích riêng mà trong đó lòng nhân ái chỉ là vỏ bọc hay nhãn mác dán lên che dấu những mục đích phi nhân ái bên trong. 

[links()]

Đây là một khái niệm đầu tư theo nghĩa tốt nhất, có lợi nhất không chỉ cho công ty, mà còn cho cả cộng đồng. Vì người được hưởng lợi trong quá trình đầu tư này là người dân, là những người nghèo, là trẻ em, là những người bị bệnh tật cần được trợ giúp nhất trong cộng đồng.

Nhưng sao lại gọi là “đầu tư” mà không phải như lâu nay chúng ta hay gọi bằng nhiều mỹ từ như “hoạt động nhân đạo”, “làm từ thiện” hay “trợ giúp”?… Bởi lẽ, đầu tư nhân ái là phải tính toán tới lỗ lãi, mà tính toán một cách rất chặt chẽ, căn cơ, thực tế, cũng giống như khi đầu tư vào các dự án làm ăn nhằm đạt tới lợi nhuận cao và bền vững. 

Đối tượng được “đầu tư nhân ái” hướng đến là những con người, hầu hết là những con người chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Khi “nhà đầu tư nhân ái” hướng “đồng vốn đầu tư” của mình tới họ, mục đích trước mắt là để “xoá đói giảm nghèo”, chữa trị bệnh tật, tạo cơ hội học hành và lao động cho họ. Nhưng mục đích lâu dài lại là mong muốn sau khi họ “giải phóng” mình khỏi nghèo khổ và bệnh tật, họ sẽ tạo được những động lực cho chính họ phát triển. Và sự phát triển mạnh mẽ của mỗi con người góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ cả một xã hội. Sự thoát nghèo hay vươn lên cuộc sống khá giả và giàu có của mỗi gia đình góp phần làm nền tảng cho sự hưng thịnh của cả một nền kinh tế.

Đồng chí Trương Hòa Bình tặng quà cho các cháu tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Nghĩa Hành) trong chuyến về thăm và làm việc tại Quảng Ngãi.
Đồng chí Trương Hòa Bình tặng quà cho các cháu tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Nghĩa Hành) trong chuyến về thăm và làm việc tại Quảng Ngãi.

Vốn “đầu tư nhân ái” ban đầu có thể lớn, có thể nhỏ, nhưng nếu đầu tư đúng mục đích, có tính toán chặt chẽ đến hiệu quả, thì nhất định sau một khoảng thời gian cụ thể sẽ gặt hái được thành công. Thành công ấy khó tính ra một cách rạch ròi, nhưng cái được là rất rõ ràng, cái lợi là không phải bàn cãi. 

Một ca mổ tim bẩm sinh thành công là một em bé được trả về cuộc sống bình thường để lớn lên, để phát triển. Trong hàng trăm hàng nghìn em bé bị bệnh tim bẩm sinh được trả về cuộc sống bình thường ấy, chắc chắn sẽ có những công dân tốt, làm việc giỏi, thậm chí có những tài năng trong những lĩnh vực khác nhau mà đất nước sẽ rất cần sự đóng góp của họ.

Chỉ riêng trong đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid-19, hơn 23 nghìn người đã tử vong vì dịch bệnh và hy sinh trong khi xả thân chống dịch. Đã có không dưới 3.000 em bé mồ côi, nhiều em mất cả cha lẫn mẹ, có những em mất cả gia đình trong đại dịch. Ngay lập tức, toàn xã hội dấy lên phong trào nhận nuôi dưỡng, chăm sóc, nuôi dạy cho các em được lớn lên trong tình thương yêu của cộng đồng. Báo Thanh Niên là một tờ báo đi đầu trong phong trào này, với slogan rất nhân văn: “Cùng con đi tiếp cuộc đời”. 

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng đã hứa chắc là sẽ nhanh chóng thu xếp một ngôi trường đủ nuôi dạy 1.000 em bé mồ côi theo tinh thần của một trường thiếu sinh quân, với kinh phí hằng năm khoảng 80 tỉ đồng. Đó là những điển hình của “đầu tư nhân ái” theo nghĩa cao đẹp nhất của cụm từ này. Khi những em bé lớn lên, được học hành, được sống chan hòa cùng bè bạn, được cả cộng đồng quan tâm chăm sóc, có được tương lai dù khiêm nhường hay lớn lao, thì tất cả đều sẽ là thành quả, là “lợi nhuận” của “đầu tư nhân ái”. 

Xã hội cho đi lòng nhân ái, và sẽ nhận về sự tăng trưởng của chính lòng nhân ái. Xã hội sẽ tốt lên, cộng đồng sẽ tốt lên, và mỗi con người khi nhận được sự “đầu tư nhân ái” của cộng đồng, cũng sẽ tốt lên, không thể khác. Đó là cái nhìn xa nhất về hiệu quả của đầu tư, là cách tính toán chắc ăn nhất khi quyết định đầu tư.  

THANH THẢO

 
 

.