Nỗi lo "vượt cạn" mùa biển động

02:10, 06/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và mưa bão, việc vào đất liền sinh con gặp nhiều khó khăn, nên hành trình “vượt cạn” của thai phụ ở huyện Lý Sơn luôn đối mặt với hiểm nguy. Thời điểm này, y, bác sĩ của Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn phải căng mình để giúp nhiều thai phụ “vượt cạn”.
[links()]
 
Vượt khó giúp sản phụ
 
Chị Phan Thị Thanh, ở thôn Tây An Vĩnh (Lý Sơn) cho biết, lúc đầu tôi dự tính sẽ vào đất liền sinh con, nhưng điều kiện đi lại khó khăn, lại lo ngại lây lan dịch bệnh, mưa bão nên tôi đã quyết định sinh con tại Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn. “Khi nhập viện, tôi rất lo lắng và căng thẳng, nhưng khi mẹ tròn con vuông, gia đình ai cũng mừng”, chị Thanh bày tỏ.
 
Chị Phan Thị Thanh, ở thôn Tây An Vĩnh (Lý Sơn) chăm sóc con tại Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn.
Chị Phan Thị Thanh, ở thôn Tây An Vĩnh (Lý Sơn) chăm sóc con tại Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn.
Còn chị Lê Thị Lệ (28 tuổi), ở thôn Tây An Vĩnh đang ở tháng cuối của thai kỳ. Mang thai đứa con thứ 3, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chị Lệ quyết định sinh con ở quê nhà. Gần đến ngày sinh cũng là lúc cơn bão số 5 áp sát vào đất liền. Lúc 23 giờ đêm 11/9, mưa to gió lớn, chị Lệ có dấu hiệu chuyển dạ và được đưa vào Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn. Đến 2 giờ sáng 12/9, chị vỡ ối. Chừng 7 giờ sáng 12/9, qua siêu âm, bác sĩ thấy nước ối đã khô kiệt mà vẫn chưa sinh được. “Sợ nguy hiểm đến tính mạng hai mẹ con, nên dù thời tiết còn rất xấu, chúng tôi vẫn phải làm thủ tục chuyển viện rồi báo cáo lên ngành chức năng để họ giúp đưa sản phụ vào đất liền; đồng thời cử y tá Nguyễn Thị Thủy đi cùng, hỗ trợ thai phụ”, bác sĩ Phạm Đình Xuân - Phó trưởng khoa Ngoại sản (Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn), cho biết.
 
Trên hành trình vào đất liền, nữ y tá đi cùng đã đỡ đẻ thành công cho chị Lệ. "Đỡ đẻ xong là chị ấy say tàu, ngất luôn. Thành viên trên tàu cũng giúp đỡ mình rất nhiều trong lúc nguy cấp”, chị Lệ xúc động nói. Sau khi vào Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, chị Lệ tiếp tục được thăm khám và điều trị, hiện sức khỏe hai mẹ con đã ổn định. 
“Mùa mưa bão mới bắt đầu, nhưng đã có nhiều trường hợp thai phụ phải thuê tàu vào đất liền cấp cứu, sinh nở, rất nguy hiểm, tốn kém. Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh vừa qua, huyện Lý Sơn đã đề nghị được bố trí 1 tàu cứu hộ, cứu nạn để chuyên chở người đi cấp cứu; đồng thời tăng cường nhân lực y tế có chuyên môn cao cho đảo trong mùa biển động”.
 
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn PHẠM THỊ HƯƠNG
Còn nhiều khó khăn
 
Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Lý Sơn dù đã được đầu tư nâng cấp, tuy nhiên, vì thiếu y, bác sĩ và trang thiết bị y tế, nên nhiều năm qua việc mổ đẻ ở đây vẫn chưa thực hiện được. Ở huyện đảo Lý Sơn, không ít trường hợp thai phụ đến lúc nhập viện thì sinh khó, phải thuê tàu cao tốc chở từ đảo vào đất liền. Có trường hợp sinh con luôn trên tàu trong điều kiện sóng to, gió lớn.
 
Bác sĩ Dương Tiến Thuận - Giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn cho biết, Trung tâm đã tăng cường khám sàng lọc trước sinh, đối với thai phụ tiên lượng sinh dễ, sinh thường thì vận động ở lại huyện để sinh, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đối với các trường hợp thai khó, có vết mổ cũ hay là thai ngược, thì Trung tâm khuyến cáo các thai phụ sớm làm thủ tục chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh để sinh. Từ ngày 26/6 đến nay, đã có 12 thai phụ chọn Trung tâm để “vượt cạn”.
 
Lý Sơn đang triển khai xây dựng dự án Trung tâm Y tế Quân dân y kết hợp huyện, với quy mô 100 giường bệnh. Trung tâm sẽ có cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu, chức năng của một bệnh viện đa khoa tuyến huyện hiện đại cấp III, nhưng vài năm nữa mới có thể hoàn thành. Trong thời gian ấy, mỗi lần có cấp cứu, bệnh nặng, hay sinh đẻ khó, người dân lại phải đối diện với nhiều khó khăn. 
 
Bài, ảnh: HỮU DANH
 
 

.