(Baoquangngai.vn)- Sau hơn một năm thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, các địa phương sáp nhập đã dẫn ổn định bộ máy, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân, nhất là ở các xã miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, cần tháo gỡ trong thời gian tới.
[links()]
Nhiều hộ dân phải đi trên 12 km mới đến Trạm Y tế
Thực hiện Nghị quyết số 867 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 1.4.2020, toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Tây Trà nhập vào huyện Trà Bồng.
"Nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và người dân là mong ngành Y tế quan tâm lập điểm khám, chữa bệnh tại TYT các xã cũ (Trà Nham, Trà Trung, Trà Quân) để tạo thuận lợi cho nhân dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu; kịp thời sơ, cấp cứu ban đầu và hướng dẫn người dân chuyển viện khi có bệnh tật phức tạp". Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo. |
Ngoài ra, còn thành lập mới xã Sơn Trà trên cơ sở sáp nhập xã Trà Quân và xã Trà Khê; xã Hương Trà trên cơ sở sáp nhập toàn bộ xã Trà Nham và xã Trà Lãnh; xã Trà Tây trên cơ sở sáp nhập xã Trà Trung và Trà Thọ. Sau sắp xếp, sáp nhập, các địa phương đã nhanh chóng ổn định bộ máy, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, việc khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế (TYT) của người dân còn gặp khó khăn, do nhà xa TYT, đường đi lại khó khăn.
Nhà ở thôn Đam (xã Trà Trung cũ), mỗi lần muốn đi khám bệnh thì ông Hồ Văn Tình phải vượt qua quãng đường hơn 18km mới đến được TYT xã Trà Tây (đặt tại xã Trà Thọ cũ). Quãng đường xa cùng với đường núi nhiều đoạn khó đi nên việc đến khám bệnh tại TYT đối với ông Tình rất vất vả, nhất là những ngày mưa gió. “Ngày nắng đi còn đỡ, chứ khi đau ốm mà gặp những ngày mưa lũ thì chúng tôi gặp rất nhiều vất vả, có hôm đi về mất cả ngày đường”, ông Hồ Văn Tình chia sẻ.
Nhà ở xa Trạm Y tế cùng với đường giao thông đi lại khó khăn, nên nhiều người dân khó tiếp cận với các dịch vụ y tế khi đau ốm. |
Tại xã Sơn Trà cũng rơi vào tình trạng trên. Người dân xã Trà Quân cũ phải đi quãng đường hơn 10km mới tới được TYT xã Sơn Trà (đặt tại trụ sở TYT xã Trà Khê cũ). Tại xã Hương Trà, trụ sở TYT đặt tại xã Trà Lãnh, nên người dân từ xã Trà Nham cũ muốn đến TYT xã Hương Trà để khám bệnh phải vượt quãng đường hơn 12km.
Theo lãnh đạo UBND huyện Trà Bồng, người dân ở các xã Hương Trà, Trà Tây và Sơn Trà đến khám, chữa bệnh tại TYT thường là đi bộ, thời gian trung bình từ nhà đến TYT khoảng 4 tiếng đồng hồ. Vì nhà cách xa TYT, đường đi lại khó khăn nên nhiều trường hợp người dân khi ốm đau ngại đi khám bệnh.
Vướng quy định từ Trung ương
Đặc thù ở các xã miền núi là địa bàn rộng, chia cắt, nếu thu gọn lại về một TYT thì người dân sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế; bản thân cán bộ y tế cũng sẽ rất khó khăn trong quản lý, nắm địa bàn, cũng như triển khai các chương trình phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng...
Người dân phải dùng võng để chuyển người bệnh đến Trạm y tế. |
Theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương về mô hình tổ chức hoạt động cơ sở 2 của TYT xã và còn vướng mắc về cơ sở pháp lý, nên đề xuất của Huyện ủy Trà Bồng cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian đến. |
Liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh tại các xã sáp nhập, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu phương án giải quyết những khó khăn và kiến nghị của các địa phương về việc thành lập cơ sở 2 để duy trì hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại các địa phương này.