Bỗng dưng thấy nhớ... Sài Gòn

09:08, 05/08/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Có người bạn thân hỏi, tại sao tôi không chọn một vùng đất nào đó để đi du lịch mà năm nào cũng đến Sài Gòn. Bạn đâu biết rằng, đó là những lúc tôi muốn “trở về”. Về với Sài Gòn, giống như khi xưa, khi tôi còn ở Sài Gòn, cứ vào mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ phép là phải tranh thủ về quê nhà Quảng Ngãi cho bằng được. Những ngày Sài Gòn “đang ốm”, những chuyến đi bị ngưng lại, chỉ còn lại những nỗi nhớ.
 
[links()]
 
18 tuổi, với hành trang là sách vở, chiếc rương gỗ đựng đồ đạc cần thiết, tôi cùng mẹ lên đường vào Sài Gòn nhập học. Từ bến xe miền Đông, ngồi trên chiếc xe ba gác hướng về phòng trọ vào một buổi sáng mùa thu, Sài Gòn hiện ra trong mắt tôi thật lạ lẫm và xa lạ, khác nhiều so với quê nhà. Sài Gòn đông đúc, ồn ào, náo nhiệt, bụi bặm nhưng quả thật tôi cũng rất thích thú với sự sầm uất, hiện đại ở đây.
 
Chiếc xe ba gác chở tôi và mẹ, trong tôi khi ấy mang theo đó là bao ước mơ, niềm tin mãnh liệt và khát vọng học tập thật tốt để có cuộc sống tốt hơn. Ít ra tôi không phải dãi nắng, dầm mưa ở đồng ruộng, chân lấm, tay bùn như người thân ở quê hay phải lấy chồng sớm như đám bạn cùng trang lứa ở cái tuổi ăn chưa no, lo còn chưa tới. Thanh xuân của tôi gắn bó với Sài Gòn từ đấy. 
 
Trung tâm Sài Gòn vắng lặng những ngày dịch bệnh ập đến.
Trung tâm Sài Gòn vắng lặng những ngày dịch bệnh ập đến. Ảnh: Tuấn Nguyễn
 
Cách đây khoảng hơn 15 năm, các khu công nghiệp gần nhà chưa đi vào hoạt động rầm rộ như bây giờ, ở quê tôi có rất nhiều người tha hương vào Sài Gòn sinh sống. Họ bán vé số, kim chỉ, trái cây, bán hủ tiếu gõ. Riêng xóm tôi thì nổi tiếng nhất với nghề bán vé số. Người giàu thì mở đại lý làm chủ rồi thuê người vào làm. Người khó khăn hơn thì làm thuê. 
 
Ở quê vất vả, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ruộng vườn, cây lúa cũng chỉ đủ no chứ không đủ học. Ba thì mất việc làm, mẹ tôi đã kìm lòng rời quê để cùng đồng hương vào Sài Gòn mưu sinh. Mọi người quây quần bên nhau hình thành nên một xóm thu nhỏ người Quảng Ngãi ở đường Tây Thạnh (gần Khu công nghiệp Tân Bình), "mắm muối" gì cũng có nhau, giúp đỡ nhau để kiếm tiền lo cho các con.
 
Có lẽ do có người nhà vào mưu sinh trước đó, thông thạo đường sá nên ban đầu tôi cũng dễ làm quen, thích nghi hơn với Sài Gòn. Lo nhập học cho tôi xong, mẹ lao vào kiếm đủ mọi việc để làm mới đủ lo chi phí cho tôi nộp học và gửi về phụ ba lo cho các em ở quê. 
 
Sao có thể quên được những buổi trưa hè nắng cháy đến rát da, đầu đội chiếc nón lá che nghiêng đến nữa mặt tránh nắng, mẹ lang thang mọi ngóc ngách để mưu sinh. Quên sao được những ngày Sài Gòn mùa mưa, nữa đêm rồi bóng mẹ nhỏ bé vẫn còn len lỏi vượt qua dòng nước đen ngòm, cao hơn đầu gối trở về phòng trọ. Rồi những hôm đến trường với cái bụng rỗng, chúng tôi những người bạn tuy khác quê nhưng vẫn chia nhau từng gói mì, đèo nhau trên chiếc xe đạp, ì ạch đến trường...
 
Những con đường tấp nập người qua lại giờ không một bóng người.
Những con đường tấp nập người qua lại giờ không một bóng người. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 
Chi phí ở Sài Gòn đắt đỏ thật nhưng với người lao động cũng có của dư, của để nếu biết tiết kiệm. Vất vả trăm bề, chật vật những ngày tha hương là vậy, ấy mà mẹ cũng lo được cho tôi đến khi có tấm bằng đại học, sau đó thì lần lượt các em nối gót vào sau. Người thân quen ở xóm tôi, từ chỗ cái ăn, cái mặc ở quê không đủ, từ tiền kiếm được ở Sài Gòn mỗi năm trở về còn xây lại nhà cửa khang trang. Kinh tế ngày càng khá hơn hẳn. Nhiều đứa trẻ ở quê từ chỗ tưởng chừng bỏ học, bây giờ đã trở thành những tri thức quay trở về đóng góp nhiều hơn cho quê hương.
 
Sài Gòn cứ ôm ấp, vỗ về, cưu mang những người xa xứ. Đến bây giờ, thỉnh thoảng mẹ hay nói, nếu không nhờ vào “tiền Sài Gòn” thì chẳng kiếm đâu ra để lo cho các con ăn học. Mẹ nhắc lại, cớ là cũng để các con không quên nhưng ngày tháng gian khó nhất nơi xứ người và những ân tình, sự hào phóng chẳng mong đáp lại của đất và người Sài Gòn gốc ở đây.
 
Nhiều người nói Sài Gòn hoa lệ, hoa dành cho người giàu, lệ dành cho người nghèo. Tôi ngày ấy chỉ nghĩ đơn giản, Sài Gòn là nơi sống tạm để mình học tập, làm việc và kiếm tiền. Trong lòng lúc nào cũng chỉ nghĩ về quê nhà. Mỗi lần thấy biển số xe 76 của Quảng Ngãi lạc giữa Sài Gòn đông đúc lại tìm cách để chào nhau. 
 
Đúng là "khi ta ở, đất chỉ là nơi đất ở, khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn". Những ngày gian khổ nhất đã qua, khi trở về quê nhà, đôi lúc lòng lại bỗng nhớ xao xuyến. Bây giờ thì ngược lại, chỉ cần thấy ai chạy biển số xe Sài Gòn giữa Quảng Ngãi lại hỏi thăm nhau đủ điều về Sài Gòn.
 
Mỗi mùa hè, cứ có dịp tôi lại hẹn người thân cùng nhau vào Sài Gòn thăm chơi. Đến độ có người bạn thân hay hỏi tôi, tại sao không chọn một vùng đất nào đó để đi du lịch mà năm nào cũng đến Sài Gòn. Bạn đâu biết rằng, đó là những lúc tôi muốn “trở về”. Về với Sài Gòn, về với quê hương thứ hai, giống như khi xưa, khi tôi còn ở Sài Gòn, cứ vào mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ phép là phải tranh thủ về Quảng Ngãi cho bằng được. 
 
z2657524569464_32c754b62a4e8256e97eba806fde1c75.jpg
Ai cũng mong Sài Gòn rồi sẽ sớm "khỏe" lại. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 
Đi qua những ngày giông tố, mới biết trân quí những ngày bình yên. Sài Gòn, vùng đất quanh năm hiếm có mưa bão, lũ lụt như ở quê lại đang bị "ốm". Một Sài Gòn náo nhiệt và phồn vinh, đầy kiêu hãnh nay trọng thương mà xót xa biết dường nào. Sài Gòn đang “đóng băng” và đang gồng lên để trở lại những ngày bình thường như trước đây. 
 
Cũng những con đường, góc phố, hàng cây ấy, nơi tôi và người thân đã từng bước qua nhưng vắng lặng đến đáng sợ. Nhà nhà đóng cửa, đường phố lạnh lẽo, thay vào đó là tiếng còi hú của xe cứu thương và những con người gồng mình trong bộ trang phục trùm kín người để làm nhiệm vụ, chống chọi với dịch Covid-19 đầy nỗ lực và quyết tâm. 
 
Những người thân của tôi, bạn bè trong đó, bằng ý chí và cả niềm tin, tôi biết họ đều đang nỗ lực rất nhiều để có thể đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho gia đình, cố gắng hoàn thành công việc trong điều kiện giãn cách. 
 
Ai cũng mong Sài Gòn rồi sẽ sớm “khỏe” lại. Rồi sẽ không còn những cuộc hồi hương vội vã, mà người người sẽ sớm trở lại để tiếp tục hành trình mưu sinh, gắn bó với nó như đã từng. Khi không còn “ốm”, nhất định Sài Gòn sẽ đông đúc trở lại, dù phải hứng chịu khói bụi, kẹt xe, ồn ào. Thế nhưng, như thế mới là Sài Gòn đúng nghĩa.
 
Để rồi, sau những ngày nỗ lực chống dịch và khi dịch bệnh qua nhanh, những “đứa con” đã từng được Sài Gòn cưu mang, ôm ấp rồi sẽ trở lại, dạo vòng quanh những con phố thăm những người thân quen, nhâm nhi một tách cà phê sữa đá nơi quán cóc, vỉa hè... 
 
Xuân Yên
 

.