Thanh Thảo
Ngày 6 tháng Giêng hàng năm là ngày “Tết trồng cây” được Bác Hồ đích thân phát động từ 62 năm trước.
Cụ thể, ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn.
Hồi ấy, miền Bắc nước ta còn nghèo lắm. Bác Hồ đã mong muốn mỗi gia đình nông dân gắng trồng mỗi người 5 cây xanh, chủ yếu là cây xoan, cây có thể làm kèo, cột đặng làm nhà ở, dù rất đơn sơ, nhưng “cây nhà lá vườn” mình tự lực cánh sinh sẽ mang lại cho mình cảm giác hạnh phúc. Từ đó, ngày Tết trồng cây được ấn định là ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, và nó dã thành “Ngày của cây xanh Việt Nam” hơn 60 năm rồi.
Cũng xin nói, ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây, thì rừng miền Bắc còn nguyên sinh và nguyên si lắm. Đồng bào dân tộc sống với rừng, bảo vệ chăm sóc rừng, và thu hoạch các sản vật từ rừng để nuôi sống gia đình mình. Ngày ấy thật thanh bình, và câu nói “tiền rừng, bạc biển” là câu nói thật, không hề nói quá.
Bây giờ thì mọi sự đã khác. Rừng nguyên sinh Việt Nam đã bị tàn phá ghê gớm, tới mức những người yêu rừng, yêu cây xanh mỗi khi nghĩ đến lại phải rùng mình. Bây giờ, không chỉ những nhóm “lâm tặc” nhỏ lẻ phá rừng, mà đã có hẳn những “công nghệ phá rừng” với tốc độ tàn phá khủng khiếp.
Nếu ngày trước, rừng chỉ mới bị những nhát dao đâm vào cơ thể, thì bây giờ, rừng đã và đang bị những binh đoàn tổng lực nghiền nát bằng những phương tiện tối tân. Những kẻ phá rừng đang hủy diệt rừng, đồng nghĩa với hủy diệt sự sống của ngót trăm triệu người, kể cả những người chưa từng đến với rừng, chưa từng biết rừng nguyên sinh là thế nào. Kể cả những kẻ phá rừng. Bởi vì rừng không chỉ “giữ đất quê hương”, rừng còn giữ cho sự sống của tất cả nhúng ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẩn thiết phát động phong trào “Trồng một tỉ cây xanh”, từ trồng lại rừng nguyên sinh, tới trồng cây xanh ở nông thôn, trồng cây xanh trong đô thị. Ngày Tết trồng cây bây giờ phải đồng loạt và mạnh mẽ hơn tốc độ phá rừng. Chỉ như thế, rừng mới dần dần hồi sinh, dù khó nhọc.
Muốn cho toàn dân có ý thức bảo vệ cây xanh, có tình yêu thực sự với cây xanh, thì nên chăng, ngoài việc phát động Tết trồng cây, định hạn trong 5 năm phải trồng được một tỉ cây xanh, thì cần phát động một chương trình rất dài hạn “Đồng hành với cây xanh”.
Đây là cuộc đồng hành của nhiều thế hệ người Việt, không chỉ là chuyện “người già trồng cho người trẻ hái quả”, mà bản thân những người trẻ phải là lực lượng xung kích trồng cây xanh, chăm sóc cây xanh, yêu thương cây xanh. Từ ý thức tới tình yêu, đó là một hành trình đầy ý nghĩa, và rất dài, xuyên qua nhiều thế hệ.
Với những gia đình, dù ở nông thôn hay thành phố, đừng bao giờ để bê tông lấn đất trồng cây xanh, và ý thức phủ xanh ngôi nhà mình ở, phủ xanh khu vườn dù nhỏ bé của mình, sẽ làm cho đất nước ta có màu chủ đạo là màu xanh của cây cối, màu xanh của các loại rau sạch, và cuối cùng, là màu xanh trong tâm hồn mỗi con người.
Tôi nhớ, ngày chiến tranh, tôi từng sống trong những khu rừng nguyên sinh ở Campuchia, ở miền Đông Nam Bộ, mà bây giờ nghĩ lại, hóa ra, đó là thời gian hạnh phúc nhất của mình, dẫu phải chịu muôn vàn hiểm nguy, gian khổ. Có một bài thơ tôi viết ngày ấy, chưa in trong tập thơ nào, giờ đọc lại, chợt cảm động. Vì bài thơ ấy viết về ngôi nhà trong rừng của mình, về những tháng ngày “không bình thường” của đời mình:
NHÀ TRONG RỪNG
Nhà tôi rừng xúm xít quanh
không ngăn vách cửa cây thành quen thân
chỉ cần quá một bước chân
là tôi ngập giữa rì rầm tiếng cây
chỉ cần thêm một với tay
là rừng ăn ở đêm ngày cùng tôi
những khi mưa giăng kín trời
hạt nghiêng thấm võng hạt rơi ướt cành
nhà ai cũng thể nhà mình
đêm đốt lửa thấy xúm quanh bạn bè
chuyện hay đến nỗi rừng mê
xích gần đống lửa cây xòe tay hơ
nhà không ngăn vách thân sơ
tôi mơ tiếp những cơn mơ của rừng
tôi mang bóng lá trên lưng
tôi đi xuyên dưới từng từng cây che
từ trong lòng đất tôi nghe
sau bom rách xé tiếng ve lại đầy
nhẹ nhàng vịn một nhành cây
tay mình chợt nối cánh tay của rừng
1974