(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều ngày qua, hơn 100 hộ dân ở thôn Cà Xen, xã Long Môn (Minh Long) bị cô lập, do cây cầu bê tông bắc qua con sông đầu thôn đã bị nước lũ cuốn trôi. Một số người dân vì nóng lòng đi lại mua thực phẩm, làm giấy tờ ngoài xã đã cùng nhau bắc cây cầu tạm, nhưng mưa lớn đang đe dọa cuốn trôi cây cầu tạm này.
Từ trung tâm huyện Minh Long về xã Long Môn vào thời điểm này vô cùng bất an, vì dọc đường đi có đến hơn 20 điểm sạt lở. Hầu hết là vết sạt trượt từ đỉnh núi cao xuống, kéo dài hàng trăm mét. Đường đã tạm thông, song vết sạt không ngừng lớn hơn, đe dọa tắc đường bất kỳ lúc nào. Điều đáng lo ngại nữa là, cây cầu bắc qua con sông dẫn về thôn Cà Xen mới đây bị lũ cuốn trôi, nên việc đi lại hiện vô cùng khó khăn.
Cầu bị trôi, người dân thôn Cà Xen lội qua sông để đi nên rất nguy hiểm. |
Có mặt ở bến sông vừa bị mất cây cầu, tôi chứng kiến hàng chục người dân chờ đợi nước rút để về thôn Cà Xen. Em Đinh Thị Nẻ cho biết: "Mẹ em đang bị sốt, em xin cô chủ cho nghỉ việc để về thăm, nhưng về đến đầu làng, cầu trôi mất. Nước sông thì lớn, em ngồi đây cả buổi chờ mà nước chưa rút để qua sông". Cùng cảnh ngộ với Nẻ, có hàng chục người dân khác cũng ngồi đợi nước rút. Không ít người đã liều mình vượt sông, dù cơn mưa mỗi lúc càng nặng hạt.
Trưởng thôn Cà Xen Đinh Văn Reo cho hay: "Đợt mưa lớn sau bão số 9, cây cầu đã bị trôi. Mấy ngày trước, nước sông rút thì một số người đã cố gắng lội qua sông. Người không dám lội thì phải đi đường vòng mấy quả đồi để ra xã. Tuyến đường về thôn mà không có cây cầu, khi nước sông dâng cao thì toàn thôn bị cô lập. Mong cấp trên quan tâm xây dựng cho thôn cây cầu mới, để đi lại thuận lợi, an toàn".
Thôn Cà Xen hiện có hơn 100 hộ dân sinh sống. Hằng ngày, trẻ em muốn ra xã học thì chờ lúc nước cạn, người lớn cõng qua sông. Hàng hóa như lương thực, thực phẩm cũng không ai chở về thôn bán như mấy khi nữa mà người dân phải ra trung tâm xã mua. Ngoài các hộ dân trong thôn bị cô lập do cầu bị lũ cuốn trôi, thì các hộ dân sinh sống ở nơi khác, có đất canh tác ở thôn Cà Xen, nhiều ngày nay cũng không thể đi lại sản xuất được. Nhiều khu vực có rau dớn đang vào mùa thu hoạch, người dân cũng không thể sang sông để hái bán, kiếm thêm thu nhập. Nhiều rẫy chè, người dân cũng đành bỏ mặc, chứ không thể sang sông hái về bán... Tất cả nhịp sống bình thường bị đảo lộn vì giao thông "đứt gãy", do cây cầu bị cuốn trôi.
Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết: "Cây cầu làm cũng khá lâu, đợt mưa lũ năm ngoái bị sạt lở một bên mố, huyện đã kiến nghị tỉnh cho đầu tư cầu mới, nhưng tỉnh chưa kịp xem xét thì đợt mưa lớn vừa rồi cuốn trôi luôn cả cây cầu. Để xây lại cầu mới cần kinh phí hơn 10 tỷ đồng, nhưng do nguồn thu của huyện hạn hẹp, nên chưa thể bố trí vốn đầu tư. Huyện mong tỉnh sớm quan tâm đầu tư xây cầu cho người dân đi lại thuận lợi, an toàn".
Trước mắt, huyện sẽ vận động nhân dân trong thôn đắp đất cao hai bên bờ, bắc một cây cầu tạm bằng ván để người dân qua lại, không phải lội dưới lòng sông nữa. Thế nhưng, vì chỉ là cầu tạm, nước sông lại chảy xiết nên có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Thấp thỏm với sạt lở núi
Mưa lớn những ngày qua đã làm các vết nứt trên tuyến đường từ trung tâm huyện lỵ Minh Long về xã Long Môn tiếp tục mở rộng. Rạng sáng 28.11, vết nứt từ trên núi cao tại Làng Vang đất đá tiếp tục đổ xuống, tràn vào hai nhà sàn của gia đình ông Đinh Văn Nga. Người nhà ông Nga đã phải tháo chạy. Trưa hôm đó, một số thanh niên trong làng đã giúp gia đình ông Nga thu dọn cột, kèo, ngói, tránh bị vùi lấp, để tận dụng dựng lại nhà mới khi gia đình có điều kiện.
|
Bài, ảnh: THANH NHỊ