(Báo Quảng Ngãi)- Khám sức khỏe định kỳ, phòng tránh bệnh nghề nghiệp, nhằm bảo đảm sức khỏe, quyền lợi cho người lao động (NLĐ), cũng chính là lợi ích của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác này vẫn chưa được quan tâm đúng mức...
[links()]
Rất ít doanh nghiệp thực hiện
Theo quy định, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, kể cả người học nghề; lao động (LĐ) nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản; người làm việc nặng nhọc, độc hại, người khuyết tật, chưa thành niên, người cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần. Người lao động làm việc trong điều kiện có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh nghề nghiệp.
Nhiều lao động làm việc trong môi trường độc hại, nhưng không có thiết bị bảo hộ, dễ mắc bệnh nghề nghiệp. Ảnh minh họa. |
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), từ đầu năm 2020 đến hết tháng 10.2020, toàn tỉnh chỉ có 8 doanh nghiệp (DN) tổ chức khám sức khỏe định kỳ và 13 DN thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 3.258 NLĐ. Trong đó, phát hiện gần 1.606 LĐ mắc bệnh điếc nghề nghiệp, 929 LĐ mắc viêm phế quản nghề nghiệp... Phó Giám đốc CDC tỉnh Võ Văn Phú cho biết: “Đây là số DN hợp đồng với CDC tỉnh để thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, các DN có thể hợp đồng với các đơn vị khám chữa bệnh khác, nên số liệu trên chưa phản ánh đầy đủ về công tác này tại các DN trên địa bàn tỉnh”.
Trên thực tế, việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ chỉ dừng lại ở các DN Nhà nước, hoặc các DN khu vực ngoài Nhà nước có quy mô lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ DN, NLĐ không chấp hành việc khám bệnh nghề nghiệp định kỳ, là do đa số DN vừa và nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, nên chưa quan tâm đến việc khám bệnh cho NLĐ. Trong khi đó, với gần 5.000 DN trên địa bàn tỉnh, số DN vừa và nhỏ lại chiếm đa số.
Bên cạnh đó, để có việc làm, NLĐ chấp nhận điều kiện môi trường làm việc chưa đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Nhận thức của NLĐ về sự nguy hiểm và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe từ môi trường làm việc còn nhiều hạn chế, nên không mặn mà với việc khám sức khỏe định kỳ, hay khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Mặt khác, thiếu thông tin cũng là một nguyên nhân dẫn đến vi phạm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATVSLĐ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng các phương tiện bảo vệ cá nhân trong những điều kiện làm việc cần phải bảo hộ.
Cần chế tài mạnh hơn
Trong khi ý thức chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, việc áp dụng các chế tài xử phạt lại chưa hợp lý, nên gần như không có tác dụng răn đe đối với các DN vi phạm. Theo đó, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1.3.2020 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực LĐ, bảo hiểm xã hội, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định: “Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng LĐ có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, trừ trường hợp người sử dụng LĐ đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, nhưng NLĐ không muốn khám”.
Theo Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Trương Văn Nhân, từ năm 2019 đến nay, đơn vị chưa xử phạt hành chính đơn vị, DN nào vi phạm không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, mà chỉ dừng lại ở hình thức khiển trách, nhắc nhở. Chính điều này khiến các DN “nhờn” luật và cố tình trốn tránh trách nhiệm của mình.
Để siết chặt hơn nữa công tác quản lý y tế LĐ tại các DN, cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng, LĐ làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Bên cạnh đó, bản thân NLĐ cần nâng cao ý thức chấp hành ATLĐ, thực hiện nghiêm các quy định về bảo hộ LĐ, góp phần hạn chế bệnh nghề nghiệp...
Bài, ảnh: VŨ YẾN