(Báo Quảng Ngãi)- “50 triệu cây cho 50 triệu người” là tên chiến dịch trồng rừng, do một nhóm người trẻ tại đất nước Tanzania phát động cách đây 3 năm, nhằm bổ sung diện tích rừng, đối phó với nạn phá rừng tại đất nước này. Tinh thần của chiến dịch này rất đáng để chúng ta học hỏi, nhất là trong bối cảnh 900ha rừng phòng hộ ven biển của tỉnh vừa bị thiệt hại do bão số 9 cần được trồng bổ sung ngay.
[links()]
Cách đây 3 năm, một nhóm tình nguyện viên trẻ tại Tanzania đã tiến hành chiến dịch trồng “50 triệu cây cho 50 triệu người”, với mục tiêu khuyến khích thanh thiếu niên địa phương trồng cây. Với tinh thần “mỗi người chỉ cần trồng một cây, 50 triệu người có thể đạt được 50 triệu cây cho đất nước”, chiến dịch đã nhận được sự tham gia của đông đảo người dân Tanzania và nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước.
Rừng dương ven biển tại xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) do chính tay người dân trồng để tự bảo vệ đất đai, nhà cửa của chính mình. Ảnh: Ý THU |
Trước chiến dịch của các tình nguyện viên tại Tanzania, năm 2006, cơ quan Chương trình môi trường Liên Hợp quốc cũng đã phát động chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh, nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khi hậu. Kể từ đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã tích cực hưởng ứng, trong đó có Việt Nam với chiến dịch “1 triệu cây xanh cho Việt Nam”, được Bộ TN&MT phát động từ năm 2012, đến năm 2019, chương trình đã trồng được 851.000 cây xanh các loại tại 41 địa điểm thuộc 18 tỉnh, thành trong cả nước.
Hiệu quả, sự lan tỏa của những chương trình, chiến dịch này đã gợi mở ra giải pháp khôi phục, phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển sau bão số 9 tại tỉnh ta. Bởi hiện nay, tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh vào khoảng 1.500ha, nhưng chỉ còn khoảng 600ha, 900ha đã bị thiệt hại do bão số 9 gây ra vào cuối tháng 10.2020.
Nếu tính bình quân, mỗi kilômét đường ven biển của tỉnh hiện chỉ còn chưa đến 5ha rừng phòng hộ. Vì vậy, để có thể khôi phục cấp bách phần diện tích bị thiệt hại và phát triển thêm diện tích mới, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, vẫn cần sự chung tay của chính mỗi người dân. Bởi lẽ, để cây sống và phát triển được trên đất cát khô cằn, thiếu nước, cần trải qua 3 - 4 năm trồng, chăm sóc và tưới nước liên tục. Do vậy, nếu mỗi người dân, nhất là người dân sinh sống ở ven biển trở thành chủ thể, tham gia trực tiếp vào việc trồng và chăm sóc rừng, thì việc trồng rừng trên cát sẽ đạt kết quả tốt hơn.
Để huy động được sức dân, khơi dậy tinh thần của người dân trong vấn đề này, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xác định lại các diện tích đất trống ven biển cần bổ sung rừng chắn sóng, chắn cát. Cùng với đó, sự tham gia mạnh mẽ của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể trong phát động chiến dịch, lan tỏa thông điệp trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Có như thế, mới nhanh chóng khôi phục và phát triển mạnh mẽ “tấm chắn xanh” ven biển, giúp giữ đất, chắn gió, ngăn chặn xói mòn, sạt lở đất khu vực ven biển. Bởi tình hình biến đổi khí hậu, sạt lở do nước biển xâm thực tại các địa phương ven biển của tỉnh đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ, với cường độ ngày càng mạnh hơn.
Ý THU