(Báo Quảng Ngãi)- “Mẹ chính là động lực để em vươn lên trong học tập”, đó là chia sẻ của em Nguyễn Trịnh Công Phúc, sinh viên năm 3, ngành Công nghệ thông tin (Trường Đại học Phạm Văn Đồng). Dù đôi chân không lành lặn, nhưng với niềm tin và nghị lực, Phúc từng bước chinh phục ước mơ đến trường.
Tấm lòng người mẹ
Lúc chúng tôi đến nhà Phúc, ở thôn An Hội Bắc 2, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), cậu sinh viên ấy đang cặm cụi gõ bàn phím máy tính làm bài tập. Bà Nguyễn Thị Kim Liên (59 tuổi) - mẹ Phúc bảo rằng: Thời gian ở nhà, Phúc đều dành cho việc học.
Vịn tay men theo tường, di chuyển từng bước chân nhỏ để tiếp khách, Phúc cho biết: “Mỗi bước đi của em vững hơn trước nhờ tập luyện mỗi ngày. Em không muốn mẹ bận tâm, lo lắng, dìu dắt em quá nhiều, bởi vì mẹ ngày càng lớn tuổi. Em luôn cố gắng tập luyện, tự lập trong sinh hoạt”.
Nhìn đôi chân không lành lặn của con, bà Liên ngậm ngùi nhớ lại: "Lúc mang thai Phúc thì chồng bỏ đi biệt tích, một mình tôi nuôi 3 đứa con thơ. Phúc lúc mới sinh rất yếu, bị sốt, nhưng nhà lại không có tiền để đưa cháu đi khám bệnh...".
Khi Phúc được 2 tuổi, ở quê không có công việc, nên bà Liên vào TP.Hồ Chí Minh xin làm người giúp việc, buôn ve chai, bán vé số... để Phúc cho 2 người con trai lớn chăm sóc, gửi họ hàng qua lại thăm nom. Đến khi Phúc 6 tuổi, bà Liên về quê để tiện chăm sóc, đưa đón Phúc đi học.
“Ở xa, nghe bảo con không đi đứng bình thường như bao đứa trẻ khác tôi rất lo, cố gắng cắn răng kiếm tiền chạy chữa nhưng cũng không thể thay đổi được hiện thực. Càng nghĩ càng thương, nên tôi nhủ lòng, dẫu khó khăn tới đâu cũng phải nuôi Phúc học hành đến nơi đến chốn để bù đắp khiếm khuyết trên cơ thể của con mình”, bà Liên tâm sự.
“Nhìn mẹ vất vả, em càng quyết tâm học thật tốt, rồi tìm việc mưu sinh, để mẹ đỡ lo phần nào. Con đường phía trước dẫu nhiều cam go, nhưng có mẹ bên cạnh, em như được tiếp thêm sức mạnh để chinh phục ước mơ của mình”.
Em
NGUYỄN TRỊịNH CÔNG PHÚC,
sinh viên năm 3,
Trường Đại học Phạm Văn Đồng
|
Kiên cường học tập
Lúc lên 5 tuổi, Phúc đã hiểu rõ mình mãi không thể chạy nhảy như bạn bè ở xóm. Nhiều lần Phúc tự đứng lên nhưng khi vừa gượng dậy đã ngã nhào lên nền đất lạnh. Không vì thế mà Phúc nản lòng, cậu chọn cho mình niềm vui với con chữ. “Học mẫu giáo thì em tập viết chữ, tập đánh vần. Lên cấp 1 thì dành thời gian rảnh để làm bài tập Toán, Tiếng Việt... Nhờ vậy, em quên đi việc mình bị khiếm khuyết đôi chân”, Phúc trải lòng.
Từ khi Phúc học mẫu giáo đến nay, bà Liên trở thành “đôi chân” của con trai. Lúc trường gần nhà, bà cõng con trai trên lưng đến lớp. Phúc lớn dần lên, trường học cũng xa hơn, bà Liên lại chở con tới trường trên chiếc xe đạp cũ. Cứ thế cho đến hôm nay, mỗi bước đi của Phúc luôn có bóng dáng người mẹ tảo tần bên cạnh. Bà Liên nói vui: “Nhờ đi học cùng con mà tôi cũng biết thêm cái chữ, viết được nhuần nhuyễn cái tên. Đối với tôi, việc học của con là quan trọng nhất".
Hiểu được tấm lòng người mẹ, Phúc càng phấn đấu vươn lên trong học tập. Cậu bé luôn đạt thành tích cao qua mỗi kỳ thi. Đến năm học lớp 10, Phúc nhận ra mình rất yêu thích môn Tin học. Trong quá trình học tập, em luôn đạt điểm cao và đứng nhất, nhì lớp ở môn học này. Điều kiện gia đình khó khăn nên Phúc không đi học thêm, đều tự học ở nhà. Gặp bài tập khó, Phúc lại tranh thủ hỏi thầy, cô giáo ngay ở lớp. Với nỗ lực vươn lên, trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Phúc đạt 21 điểm, trở thành sinh viên của Trường Đại học Phạm Văn Đồng.
“Nhìn mẹ vất vả, vừa đưa đón em đi học, vừa tần tảo bán trứng vịt lộn đến khuya mới về, em càng quyết tâm học thật tốt để ra trường tìm việc mưu sinh, để mẹ đỡ lo phần nào. Con đường phía trước dẫu nhiều cam go, nhưng có mẹ bên cạnh, em như được tiếp thêm sức mạnh để chinh phục ước mơ của mình”, Phúc bày tỏ.
ĐĂNG SƯƠNG