Quản lý rủi ro thiên tai hướng đến người khuyết tật

10:10, 12/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dự án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật” (NKT) do Tổ chức Phi chính phủ Malteser International tài trợ từ năm 2016 - 2018, tại 2 xã Hành Nhân và Hành Đức (Nghĩa Hành) tuy đã kết thúc, nhưng các hoạt động vẫn được duy trì thường xuyên và phát huy hiệu quả, nhất là trong mùa mưa bão.
 
Hưởng lợi từ dự án
 
Từ khi triển khai dự án vào giữa năm 2016, các thôn ở xã Hành Nhân và Hành Đức đã thành lập Ban quản lý rủi ro thiên tai, với các đội cứu hộ thôn được trang bị những vật dụng thiết yếu để hỗ trợ NKT khi xảy ra thiên tai, bão lũ. Thông qua các lớp tập huấn và chương trình diễn tập, thành viên đội cứu hộ được trang bị những kỹ năng cơ bản về sơ cứu, cấp cứu và sơ tán dân, mà ưu tiên trước hết là NKT, sau đó đến các đối tượng người già, trẻ em, người đau ốm... 
 
Tất cả các thôn tham gia dự án ở 2 xã Hành Đức và Hành Nhân (Nghĩa Hành) đều xây dựng một sơ đồ để hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai.
Tất cả các thôn tham gia dự án ở 2 xã Hành Đức và Hành Nhân (Nghĩa Hành) đều xây dựng một sơ đồ để hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai.
Nhà văn hóa thôn Bình Thành (xã Hành Nhân) được chọn là nơi diễn ra các cuộc họp của 11 thành viên đội cứu hộ thôn. Tại đây, ngoài những thông tin, kiến thức được tập huấn từ dự án, thành viên đội cứu hộ còn thường xuyên lên kế hoạch, nhận diện những khó khăn trong mùa mưa bão hằng năm. "Xác định những ngôi nhà kiên cố, cao tầng sẽ được vận động làm nơi tránh trú an toàn trong mùa mưa bão; NKT nào đến nhà nào và những ai giúp NKT đều được chúng tôi lên danh sách cụ thể”, Trưởng thôn Bình Thành Võ Văn Hoàng cho biết.
 
Theo công chức địa chính - xây dựng, thành viên Ban công tác Phòng, chống lụt bão xã Hành Nhân Đoàn Quang Dũng, dự án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT” kết thúc tại địa phương vào tháng 6.2018. Ngoài việc hỗ trợ cho 7 thôn trong xã các trang thiết bị cứu hộ cứu nạn như thuyền cứu hộ, hàng chục áo phao, đèn pin, loa cầm tay, máy phát điện, dự án còn hoàn thiện và đồng bộ hệ thống loa phát thanh tại các thôn, để hỗ trợ người dân ứng  phó với thiên tai; đồng thời, hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa kết hợp nhà tránh lũ cộng đồng tại thôn Phước Lâm.
 
Là đối tượng được hưởng lợi từ dự án, tiếng nói, nhu cầu của NKT trong thiên tai đã được lắng nghe. Những hoàn cảnh cụ thể của NKT được đặt ra và có hướng giải quyết. Chẳng hạn như, với NKT về nghe nói, nhìn, trí tuệ, tâm thần, nằm một chỗ, được các thành viên Ban quản lý rủi ro thiên tai của thôn hoặc đội cứu hộ trực tiếp đến nhà thông báo tình hình thiên tai, huy động lực lượng và phương tiện di chuyển họ đến nơi an toàn. Ông Trịnh Công Lý, ở thôn Bình Thành, bị khuyến tật vận động chia sẻ: “Trước khi có dự án, cứ gần đến mùa mưa, lũ là tôi phải nhờ người đưa đi tránh trú, nếu không đi kịp thì phải ở lại nhà, rất nguy hiểm. Giờ tôi thường xuyên được cập nhật thông tin từ loa phát thanh hay từ các thành viên đội cứu hộ để chuẩn bị ứng phó với bão, lũ. Nếu tình hình bất lợi sẽ có người đưa tôi đến nơi tránh trú”.
 
Chủ động ứng phó với thiên tai    
 
Quá trình triển khai dự án đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, cũng như tạo được sợi dây gắn kết lâu bền giữa các hộ dân, phát huy sức mạnh tập thể tại các khu dân cư. Các thôn trên địa bàn xã được hưởng lợi từ dự án tiến hành lập “sơ đồ hiểm họa” để phân tích điểm mạnh, điểm yếu về nhân lực, “điểm đen” trên địa bàn khi có bão lũ... qua đó tiến hành diễn tập sơ tán từ cấp thôn lên cấp xã.
 
Tại 2 thôn Bình Thành và Phước Lâm của xã Hành Nhân, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng nặng và dễ tổn thương bởi thiên tai, Ban quản lý rủi ro thiên tai đã kiện toàn đội ngũ 20 - 30 người/thôn để sẵn sàng tỏa đến các gia đình, đến các “điểm nóng” khi có mưa bão. Theo thống kê, xã Hành Nhân có gần 2.072 hộ dân, trong đó có 288 NKT. Đây là vùng thấp trũng, hằng năm gánh chịu hậu quả nặng do bão lũ, vậy nên không phải ngẫu nhiên mà địa phương này nằm trong diện được hưởng lợi của dự án trên. Với gần 100 thành viên nằm trong Ban quản lý rủi ro thiên tai, thành viên đội xung kích cứu hộ các thôn đều do chính người dân lựa chọn, được trang bị nhiều phương tiện hỗ trợ cứu hộ cứu nạn. 
 
“Thông qua sự tài trợ của dự án, hằng năm chúng tôi đều xây dựng kế hoạch phòng, chống bão lụt dựa vào cộng đồng, lồng ghép các chương trình hòa nhập NKT. Nhờ đó, năng lực quản lý rủi ro thiên tai từ thôn đến xã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ phòng, chống bão lụt tại địa phương, nhất là giảm thiểu những nguy cơ cho NKT”, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Nhân Võ Duy Chánh nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: VŨ YẾN
 
 
 

.