Tri ân những người Mẹ Anh hùng

02:09, 05/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày tháng 8 cờ hoa rực rỡ, bước chân trên quê hương Quảng Ngãi đang ngày càng khởi sắc, không thể không nhớ về những con người anh hùng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc và tỏ lòng biết ơn sự hy sinh thầm lặng của những người Mẹ vĩ đại, góp phần làm nên những trang sử vàng.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh luôn quan tâm phụng dưỡng, chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) chu đáo, ân tình...
 
Hy sinh vì quê hương
 
Ngày tiễn chồng, tiễn con lên đường, người vợ, người mẹ nào cũng mong ngày đoàn tụ khi non sông thu về một mối. Thế nhưng, khi đất nước thống nhất, nhiều người trong số họ đã không thể về với gia đình, người thân. 
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sành dành nhiều thời gian vui vầy bên con cháu trong những năm tháng tuổi già.
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sành dành nhiều thời gian vui vầy bên con cháu trong những năm tháng tuổi già.
Ở tuổi 91, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sành, xã Bình Trung (Bình Sơn) vẫn rất minh mẫn. “Bà nhớ rõ lắm, những câu chuyện về bố chồng và người anh cả, bà kể nhiều đến nỗi tôi cũng đã thuộc nằm lòng luôn rồi”, cô Hồ Thị Lượng (con dâu mẹ Sành) hồn hậu kể về người mẹ chồng đáng kính của mình.
 
Mẹ Sành không phải tiễn chồng con ra Bắc hay vào Nam, chồng và con trai Mẹ đều hoạt động cách mạng tại địa phương, nhưng những cuộc đoàn tụ của cả gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 1965, chồng Mẹ - liệt sĩ Lê Qua hy sinh ở gần nhà, mà đến hơn tuần sau gia đình Mẹ mới hay tin. Lúc đấy, Mẹ Sành một nách nuôi ba con, người con út mới chỉ bập bẹ biết nói. Vài năm sau, anh Lê Văn Thanh, con trai đầu của Mẹ cũng hy sinh ở tuổi 17. Nỗi đau chồng nỗi đau, nhưng Mẹ vẫn cố gượng dậy, một mình gồng gánh nuôi con.
 
Giờ đây, Mẹ Sành dành phần lớn thời gian để ở bên con cháu. “Mẹ vậy mà có tới hơn 20 đứa cháu và chắt rồi đó. Có mấy đứa nhỏ ríu rít suốt ngày, nhưng vui, nguôi ngoai đi phần nào nỗi nhớ chồng, nhớ con”, chị Lượng chia sẻ. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, Mẹ Sành luôn hướng ánh mắt không còn mấy tinh anh lên tấm ảnh trên bàn thờ. Khuôn mặt Mẹ hằn sâu những vết chân chim, có lẽ đó là những vết hằn của bao năm chờ đợi, mong nhớ...  
Con cháu phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ VNAH Đỗ Thị Tỵ (99 tuổi) ở xã Phổ Văn (Đức Phổ).
Con cháu phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ VNAH Đỗ Thị Tỵ (99 tuổi) ở xã Phổ Văn (Đức Phổ).
Trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hồng (84 tuổi), thôn Ba Bình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) vẫn luôn đau đáu nhớ thương chồng và con trai là liệt sĩ Nguyễn Tấn Nghệ và liệt sĩ Nguyễn Văn Thuật. Họ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất quê hương trong kháng chiến chống Mỹ. Bản thân Mẹ cũng tham gia hoạt động kháng chiến, hiện là thương binh 4/4. “Cứ mỗi lần gia đình đoàn tụ, Mẹ lại kể chuyện ngày xưa. Tuy trí nhớ đã kém đi nhiều, nhưng những câu chuyện về người bố và người anh trai của tôi luôn sống động trong tâm trí của Mẹ như mới xảy ra vậy”, ông Nguyễn Tấn Chính, người con còn lại của mẹ Hồng, cho hay.
 
Hơn nửa đời người sống dưới mưa bom bão đạn, khi hòa bình, các Mẹ ở vậy thờ chồng, nuôi con. Mẹ trở thành tấm gương sáng ngời về nghị lực. Cuộc đời Mẹ là biểu tượng của sự hy sinh cao cả. Nhưng Mẹ không hối tiếc, bởi máu xương của chồng, con được đáp đền bằng sự đổi mới của quê hương đang thay đổi từng ngày.
 
Cuộc sống tuy còn khó khăn, nhưng các Mẹ luôn nhắc nhở con, cháu phải cố gắng làm ăn, sống tử tế, để không hổ thẹn với cha anh, với truyền thống cách mạng của gia đình.
 
Trách nhiệm chăm lo, phụng dưỡng
 
Dẫu chịu nhiều mất mát, đau thương, nhưng trong mắt các Mẹ vẫn rạng ngời niềm hạnh phúc trước sự chăm lo của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã nhận phụng dưỡng suốt đời, luôn dành thời gian thăm hỏi, động viên các Mẹ. Toàn tỉnh có 6.239 Mẹ VNAH, nhưng chỉ còn 294 Mẹ còn sống, các Mẹ đều được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời. 
Đoàn thanh niên huyện Mộ Đức thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đông ở xã Đức Phong (Mộ Đức).
Đoàn thanh niên huyện Mộ Đức thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đông ở xã Đức Phong (Mộ Đức).
Hôm chúng tôi đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sành, Mẹ kể tháng 7 vừa qua, Mẹ cùng 6 Mẹ VNAH ở các địa phương đại diện cho các Mẹ VNAH trong tỉnh ra thăm thủ đô, vào Lăng viếng Bác, được gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Không giấu nổi niềm vui, Mẹ cứ cầm mãi trong tay những món đồ được tặng trong dịp gặp mặt. Cô Lượng, con dâu của Mẹ, bộc bạch: “Được một lần trong đời ra thủ đô, được vào Lăng viếng Bác Hồ, nên Mẹ vui lắm, trước hôm đi Mẹ cứ trằn trọc mãi không thôi. Chúng tôi cũng mừng, vì Mẹ được thỏa mong ước. Những năm qua, chúng tôi cũng cố gắng làm ăn để chăm lo chu đáo cho Mẹ lúc tuổi già. Ngoài ra, Mẹ cũng được Phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận phụng dưỡng, các anh đều dành thời gian đến thăm hỏi Mẹ”.
 
Trong căn nhà khang trang của Mẹ VNAH Trần Thị Tròn, hai tấm bằng Tổ quốc Ghi công của chồng và con trai, cùng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” được đặt ngay ngắn, trang nghiêm. Hôm đoàn lãnh đạo tỉnh đến thăm Mẹ, hay tin, Mẹ Tròn đã chuẩn bị từ sớm và ngồi chờ đoàn đến. Mẹ xúc động, cảm ơn trước sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Chứng kiến hình ảnh ấy, trong lòng mỗi người có mặt đều thầm khâm phục, tri ân biết bao đức hy sinh cao cả của Mẹ.
 
Bài, ảnh: VŨ YẾN
 
 
 
 

.