(Báo Quảng Ngãi)- Dù biết phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) rất độc hại và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng vì miếng cơm, manh áo, nhiều người vẫn chấp nhận dấn thân, gắn bó với nghề phun thuốc thuê.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mấy mươi nghìn đồng và 20 lít thuốc độc
Sáng sớm, cánh đồng ruộng tại đội 1, thôn 1, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) nồng nặc mùi thuốc trừ sâu, khiến người qua đường ai nấy đều gắng nín thở và cố đi thật nhanh. Ấy vậy mà bà Bùi Thị Đường vẫn chậm rãi lội bì bõm trên đám ruộng sình với thùng đựng thuốc trừ sâu 20 lít nặng oằn trên lưng. Vừa lội, bà vừa nhịp nhàng đưa chiếc cần phun thuốc dài hơn 1m về phía trước. Thuốc trừ sâu cứ thế, bay mịt mù ra cánh đồng, bao trùm lên người phụ nữ 54 tuổi gầy guộc, nhỏ bé, cao chưa đến mét rưỡi ấy.
Bà Bùi Thị Đường, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) được trả công từ 30 - 40 nghìn đồng khi phun xong một bình thuốc bảo vệ thực vật 20 lít. |
Bà Đường bảo, bà làm nghề phun thuốc BVTV thuê đến nay đã hơn chục năm. Trước đây, phun xong một bình thuốc BVTV khoảng 20 lít, bà được trả công 5.000 đồng. Còn vài năm trở lại đây, tiền công phun thuốc đã tăng gấp 6 lần, thành 30 - 40 nghìn đồng mỗi bình.
“Ngày xưa, đa phần mỗi nhà đều tự phun thuốc. Nhưng giờ, đời sống nâng cao hơn, người ta không muốn đụng vào chất độc nữa nên người ta thuê mình. Công việc của tôi vì vậy mà trở nên đông khách hơn trong 4 - 5 năm nay. Mất 1 tiếng đồng hồ để phun xong bình thuốc BVTV 20 lít, tôi được trả 30 - 40 nghìn đồng, có khi lên 50 - 60 nghìn vì được chủ nhà thấy thuốc độc hại quá mà tặng thêm. Nhà nông, một phụ nữ đau ốm, ngoài 50 tuổi như tôi, biết làm công việc gì mà 1 tiếng đồng hộ được mấy chục nghìn đồng như công việc này”, bà Đường trầm ngâm.
Đánh đổi sức khỏe để mưu sinh
Năm nay đã bước sang tuổi 70, nhưng ông Nguyễn Chước, ở thôn 4, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) vẫn còn gắn bó với nghề phun thuốc BVTV. Gắn bó với nghề độc hại hơn 30 năm qua, vậy mà ông Chước chưa từng tìm hiểu kiến thức hay dụng cụ để bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân. Suốt mấy mươi năm qua, thi thoảng lắm ông Chước mới sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động như ủng, áo mưa, khẩu trang... khi đi phun thuốc.
“Thuốc phun tới đâu là ruộng nhiễm thuốc độc tới đó nên tốt nhất nên mang ủng để hạn chế sự tiếp xúc của da với chất độc. Nhưng gặp phải ruộng bị lầy, mà mang ủng, cộng với việc phải cõng thêm mấy mươi lít thuốc độc trên lưng thì di chuyển rất khó. Có lần, do mang ủng đi phun thuốc mà tôi bị té nhào xuống ruộng. Thuốc độc vì vậy mà đổ khắp người. Thế là từ đó, tôi đành lội ruộng bằng chân không”, lão nông Nguyễn Chước kể.
Lấy tay chạm lên phần da dầu trơn nhẵn, chẳng cọng tóc nào mọc nổi, người phụ nữ ngoài 50 tuổi Bùi Thị Đường buồn rầu bảo: “Cõng thuốc độc trên lưng, dù là thuốc đã pha loãng đi rồi, nhưng lưng tôi vẫn bị sức nóng của thuốc làm cho nóng ran lên. Nhiều bữa, dù đã bịt khẩu trang, nhưng hít mùi thuốc cả ngày, khiến tôi choáng váng, suýt xỉu mấy lần. Từ ngày làm nghề phun thuốc, tóc tôi từ từ rụng đi gần hết, tay chân nổi mẩn ngứa thường xuyên... Nhưng nghề nào nghiệp đó mà. Dù cực khổ cũng phải làm để kiếm tiền mà nuôi con...”.
Với nhiều người, phun thuốc BVTV thuê là để kiếm tiền mưu sinh, còn với bà Đường, ngoài trang trải cuộc sống hằng ngày, đây còn là nghề giúp bà có đồng ra đồng vào để thuốc thang cho con. Con trai bà Đường là cháu Trương Huy (14 tuổi), không may mắc phải bệnh phù thận. Vì lo tiền thuốc thang cho con, nên dẫu sức khỏe bản thân không được tốt, nhưng bà vẫn cứ mải miết đi làm cái nghề độc hại mà ai cũng muốn tránh thật xa...
Bài, ảnh: Ý THU