Gian nan đường lên khu tái định cư Gò Nỗi

09:07, 24/07/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Đường đi thôn Bắc, thôn Tây, ở xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng là tuyến đường quan trọng dẫn về khu tái định cư (TĐC) Gò Nỗi ở địa phương. Thế nhưng tuyến đường này hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, đang thi công dang dở phải tạm ngưng vì thiếu kinh phí. Việc đi lại của người dân cũng như đến trường của con em trong vùng gặp trở ngại. Khi mùa mưa đến ngổn ngang những nỗi lo sợ.
 
Con đường "khổ ải"
 
Xã Trà Sơn nằm gần với Trung tâm huyện Trà Bồng. Ngỡ là đường đến thôn Tây sẽ gần. Thế nhưng, khác với với hình dung ban đầu, thôn Tây cao chót vót trên một đỉnh núi. Từ nơi đây phóng tầm mắt có thể quan sát toàn cảnh huyện nhà.
 
Tuyến đường lên thôn Tây phải đi qua thôn Bắc. Tổng chiều dài tuyến đường qua hai thôn khoảng 4km. Trong đó, các đơn vị đã thi công được khoảng 500m, phần chiều dài còn lại vẫn là con đường "khổ sở".
 
Bà Nguyễn Thị Thu, 42 tuổi, là người ở miền xuôi lên đây định cư, buôn bán tạp hoá trong hàng chục năm qua, chứng kiến cảnh đi lại khó khăn của dân làng, thật không khiến bà khỏi xót xa. 
 
"Do con đường xuống cấp nên việc đi lại bằng bất cứ loại phương tiện nào cũng gặp khó khăn. Đường trầy trật, hư hỏng nghiêm trọng. Mùa mưa chỉ cần không làm chủ trước một hố lầy, dễ dàng rơi xuống vực sâu. Mùa nắng thì bụi mù mịt bay, sỏi, đá lởm chởm, gồng mình vượt hết đoạn đường cũng rũ rượi tay chân. Thương nhất vẫn là chuyện đến trường của bọn trẻ", bà Thu nhấn mạnh.
 
Một đoạn đường bị sụt lún nghiêm trọng khi vào thôn Tây,
Một đoạn đường bị sụt lún nghiêm trọng khi vào thôn Tây,
 
Trên con đường ngược về thôn Bắc, lúc đấy cũng đã quá 12 giờ trưa nhưng học sinh trong thôn với cái đầu trần trong nắng vẫn cố gắng để nhích từng chút một, hì hục thở, chinh phục những đoạn đường khổ ải trở về nhà.
 
Em Hồ Thị Kim Nhi, học sinh lớp 11B4, Trường THPT Trà Bồng, cho biết: "Xe máy thì ba mẹ, nhà trường không cho đi. Còn xe đạp, đường dốc dọc dựng đứng, bọn e cũng không dám chạy nên đành đi bộ. Hôm nào đi học cả ngày chúng em đều phải ở lại. Từ trường về nhà mất 2 tiếng đồng hồ, trời đã tối mịt. Còn buổi trưa đi nhanh về trước 12 giờ, muộn cũng 1 giờ chiều mới đến nhà. Nhiều hôm trễ học".
 
Những em học sinh cấp 3 phải đi bộ đến trường vì đây là đường dốc, không thể đi xe đạp.
Những em học sinh cấp 3 phải đi bộ đến trường vì đây là đường dốc, không thể đi xe đạp.
 
Đáng nói, tuyến đường này giữ một vị trí rất quan trọng về Khu TĐC Gò Nỗi, nơi có 65 hộ dân và 380 nhân khẩu đang sinh sống. Trong những trận mưa bão lớn trong năm 2019, tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng. Vị trí sạt lở cách Gò Nỗi khoảng 200m.
 
"Không chỉ gắn kết với tuyến giao thông lên Gò Nỗi, nếu được đầu tư, xây dựng, tuyến đường còn kết nối lên Cà Đam, xã Hương Trà. Tuy nhiên với thực tế hiện nay, đường xuống cấp và sạt lở, khi vào mùa mưa, dễ gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng việc lưu thông hàng hoá, cung cấp lương thực và thuốc men cũng như công tác cứu nạn, cứu hộ đến dân. Nông sản không thể tiêu thụ được, các hộ nghèo rơi vào bế tắc", Chủ tịch UBND xã Trà Sơn Đinh Văn Phong cho hay.
 
Thiếu kinh phí
 
Theo tìm hiểu từ Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng & Phát triển Quỹ đất huyện Trà Bồng, việc chậm thi công Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường lên KDC Gò Nỗi là do thiếu hụt nguồn kinh phí.
 
Năm 2016, UBND tỉnh có bố trí kinh phí 4,5 tỷ đồng nhưng chỉ mới đủ thông tuyến, hạ độ dốc, xây dựng công trình thoát nước ngang. Đến năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ, phân bổ thêm 4 tỷ đồng để triển khai cứng hóa mặt đường với chiều dài hơn 1,4 km. Theo kế hoạch vốn Chương trình 30a, năm 2020, với kinh phí 2,8 tỷ đồng, công trình được phê duyệt và đang triển khai các thủ tục thi công chiều dài mặt đường hơn 800m. Hiện nay, trên tuyến còn 1,5km đường đất chưa kiên cố.
 
Với nhu cầu thiết thực, quan trọng và khẩn cấp, chủ đầu tư là UBND huyện Trà Bồng đã có tờ trình tiếp tục xin kinh phí khắc phục khẩn cấp tuyến đường và đã được UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra thực tế hiện trường. Đoàn kiểm tra đã thống nhất đề xuất, trình các cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ vốn.
 
Mới đây, vào ngày 29.5, UBND tỉnh đã có chủ trương, trình HĐND tỉnh cho ý kiến và bố trí 11 tỷ đồng để hoàn thiện tuyến đường và khắc phục các điểm sạt lở.
 
"Với vai trò là đơn vị trực tiếp quản lý, trong thời gian đến, nếu có kinh phí, chúng tôi sẽ đẩy nhanh kế hoạch thi công, đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành tuyến đường theo kế hoạch...", Trưởng Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng & Phát triển Quỹ đất huyện Trà Bồng Phạm Ngọc Tuấn cho biết.
 
Tuyến đường mới bê tông một đoạn ở thôn Bắc. Phần còn lại do thiếu hụt kinh phí nên tạm hoãn sau khi thông tuyến, hạ độ dốc.
Tuyến đường mới bê tông một đoạn ở thôn Bắc. Phần còn lại do thiếu hụt kinh phí nên việc thi công gián đoạn.
 
Suốt những năm qua, người dân mong đợi từng ngày sẽ có con đường mới, thuận lợi hơn để việc đi lại bớt đi nỗi nhọc nhằn, học sinh đến trường an toàn hơn. Vậy nhưng, đến nay đây vẫn là con đường... khổ ải. Điều này cũng được người dân phản ánh nhiều lần qua các đợt tiếp xúc cử tri.
 
Một con đường mới đảm bảo thông suốt sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng địa phương. Đời sống dân sinh người dân cải thiện, đảm bảo tương lai cho con em trong vùng.
 
Thiên Hậu
 

.