Hàng tháng, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 9 - 11 triệu tin nhắn/tháng, phải trả doanh nghiệp viễn thông từ 7,5 - 9 tỷ đồng/tháng.
Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giảm mức giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông với nội dung liên quan đến mức giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Hàng tháng, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 9 - 11 triệu tin nhắn/tháng, phải trả doanh nghiệp viễn thông từ 7,5 - 9 tỷ đồng/tháng (ảnh Lao động). |
Theo Hiệp hội, trong cơ cấu phí thu từ khách hàng, phí SMS banking được ngân hàng thu ở mức thấp và chỉ thu 1 lần/tháng (từ 5.500 - 8.800 đồng/tháng, một vài ngân hàng thu 11.000 đồng/tháng). Nhiều ngân hàng đang áp dụng chính sách miễn phí cho khách hàng nhằm tăng tiện ích công nghệ cho khách hàng, người dân và đẩy mạnh chuyển đổi sang giao dịch trực tuyến (Miễn phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền, phí SMS banking, phí phát hành thẻ, phí rút tiền tại ATM...).
Trong khi đó, phí SMS bình quân của một khách hàng từ 20.000 - 25.000 đồng/tháng, trong khi giá cước tin nhắn mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng đối với ngân hàng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Hàng tháng, một ngân hàng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 9 - 11 triệu tin nhắn/tháng, phải trả doanh nghiệp viễn thông từ 7,5 - 9 tỷ đồng/tháng.
Trong khi đó, dịch vụ SMS là dịch vụ thiết yếu phải có đối với giao dịch tài chính ngân hàng và dung lượng tăng dần qua các năm.
1 trong 4 ngân hàng có quy mô lớn nhất thị trường cho biết, sản lượng SMS tăng qua các năm: 2017: 365,58 triệu tin; 2018: 473,62 triệu tin; 2019: 635,48 triệu tin; 5 tháng đầu năm 2020: 320,38 triệu tin.
Tổng sản lượng 3 năm và 5 tháng đầu năm 2020 xấp xỉ 1.900 triệu tin, chi phí khoảng gần 1.200 tỷ đồng. Căn cứ nhịp độ sản lượng tin nhắn năm nay, ngân hàng này ước tính sẽ phải bù lỗ khoảng 500 tỷ đồng.
Căn cứ thực tế của các ngân hàng thì giá phí bình quân 1 tin nhắn qua các năm khoảng 700 đồng/tin nhắn. Nếu các nhà mạng áp mức giá thông thường khoảng 300 đồng/tin nhắn, chi phí sẽ giảm khoảng 50% (ngân hàng này sẽ giảm bù lỗ được khoảng 285 tỷ đồng).
Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo quyết liệt để các doanh nghiệp viễn thông thực hiện việc giảm phí (cước) tin nhắn SMS đối với dịch vụ tài chính ngân hàng xuống bằng giá cước tin nhắn thông thường hoặc bằng 50% giá cước tin nhắn hiện nay hoặc bằng mức giá của Vietnammobile (280 - 400 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng).
An Hạ/Dân trí