Thanh Thảo
(Baoquangngai.vn)- Trong đại dịch Covid-19, có thể là hàng chục vạn lao động mất việc ở thành phố đã trở về với quê hương của họ là nông thôn để nương náu chờ tai qua nạn khỏi. Quê nhà nông thôn bao giờ cũng là chỗ nương náu cuối cùng cho những người lao động xuất thân từ nông dân và nông thôn.
Ở quê tôi, những người lao động mất việc ở Sài Gòn cũng đã rất nhanh chân chạy về với quê mình. Họ biết, nhà của họ ở quê không khá giả gì, lâu nay có xây được cái nhà tàm tạm cũng là nhờ tiền của họ chắt chiu gửi từ Sài Gòn về. Chưa kể, cha mẹ của họ ở quê hầu hết đã già, đâu còn sức lao động như những lao động thực thụ mà mong có “của ăn của để”.
Nhưng họ biết về đâu, nếu không về nhà mình ở quê? Quê hương muôn đời là như vậy. Từ xưa đã vậy, bây giờ càng như vậy. Những lúc tiền hết, trắng tay, nếu người lao động không về quê, thì còn biết về đâu?
Tôi có đọc bài trình bày về kinh tế trong thời dịch bệnh của TS Vũ Thành Tự Anh, và tôi chú ý đến đoạn này: “Chúng ta đã rất bất công đối với khu vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn, vốn luôn là bệ đỡ của nền kinh tế Việt Nam khi rơi vào khủng hoảng. Thực tế vừa qua, rất nhiều người mất việc ở đô thị quay về nông thôn nương náu. Nếu không xuất khẩu được gạo, nông thôn sẽ bị quá tải, gánh nặng chồng chất thêm lên vai người nông dân vốn đã chịu nhiều khó khăn do thời tiết cực đoan, hạn mặn vừa qua. Nếu chúng ta không giúp được gì cho nông dân thì cũng không nên tước đi lợi ích của họ”.
Đó là nói tình hình sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Còn việc sản xuất lúa gạo ở miền Bắc và miền Trung thì sao? Phải thấy, ở hai vùng đất còn nhiều khó khăn trong sản xuất lúa gạo từ xưa tới giờ, thì diện tích trồng lúa đang bị thu hẹp nghiêm trọng. Vì rất nhiều lý do. Trong đó có lý do nông dân miền Bắc trả lại ruộng vì canh tác trồng lúa rất cực khổ mà không có lời. Bây giờ, dù trồng lúa hay trồng cái gì, thì cũng phải tính ra tiền, không như hồi xưa, tất cả quy ra thóc.
Nông dân Thái Bình trả ruộng, bỏ ruộng cho cỏ mọc bời bời, họ lên thành phố làm thuê làm mướn, một giải pháp cho họ số tiền khá hơn trồng lúa. Nông dân miền Trung, ruộng ít, con em lại đi Sài Gòn để làm lao động tự do rồi, không trồng ít lúa lấy gạo ăn thì làm sao ‘tích cốc phòng cơ”? Nếu đi cả làng, thì bỏ “vườn không nhà trống” cho ai?
Bây giờ, ở miền Trung, nông dân cứ hở ra là “địa ốc đứng lên” lấy đất ruộng làm chung cư hay resort ngay! Do vậy, nên ở miền Trung, lúa gạo vẫn được sản xuất, tuy không nhiều. Bây giờ, nhà nước phải tính từng vùng miền, rồi cộng lại xem toàn quốc mỗi năm sản xuất được bao nhiêu lúa, đổi ra gạo được bao nhiêu?
Nếu gạo đồng bằng sông Cửu Long để dành xuất khẩu, thì bao nhiêu là vừa? Cộng với gạo miền Trung, miền Bắc thì số lượng gạo dành cho “an ninh lương thực” là bao nhiêu? Nên nhớ, nếu gạo ở Nam Bộ xuất khẩu mà nông dân được lợi nhuận 30% như chính phủ từng hứa, thì người nông dân sẽ ăn chịu mãnh liệt với nghề trồng lúa ngay.
Thu nhập của nông dân mới là chỉ tiêu chủ chốt cho xuất khẩu gạo. Còn một khi, chỉ tiêu lợi nhuận rơi vào những đối tượng khác, không hề sản xuất được một cân gạo nào, nhưng lại hưởng lợi lớn hơn nông dân rất nhiều, thì đó là một câu chuyện thực sự đau lòng mà Chính phủ không thể không đứng ra giải quyết.
Bây giờ, thời dịch bệnh, người lao động ở thành phố tạm lánh về quê, đó chỉ là di dân tạm thời. Hết dịch, mọi hoạt động kinh tế khởi động lại, người lao động sẽ lại ra thành phố làm việc. Chính những lúc khó khăn nhất, “hạt gạo làng ta” đã nuôi sống họ.
Tôi lại nhớ, bài hát rất cảm động của cố nhạc sĩ Vĩnh An “Về lại sông Trà”, tôi chỉ xin sửa vài ba chữ cho hợp với thời Covid bây giờ, kính xin hương hồn nhạc sĩ Vĩnh An chấp thuận:
“Về lại quê nhà/ Về với quê choa/Mà bao tháng năm con đi xa/Dồn bao thương nhớ/Con lại về…”.
Với tôi, người nông dân Việt Nam muôn đời là một hình ảnh vĩ đại. Còn quê nhà, thì chở che, yêu thương đùm bọc tất cả những đứa con./.