Hạnh phúc giản dị của vợ chồng người lính

08:04, 06/04/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Ngày xưa, bà là người con gái xinh đẹp nhất, nhì trong vùng. Ông cũng là chàng thanh niên chẳng kém cạnh. Họ đều là lính cụ Hồ ở Sơn Tây, kiên cường trong chiến đấu, bảo vệ quê hương. Chiến tranh đã biến ông thành người tật nguyền. Đến với nhau, bà sẵn sàng đồng cam cộng khổ, giúp ông đứng vững trên đôi chân khiếm khuyết.
 
Đó là câu chuyện giản dị của vợ chồng ông Đinh Văn Chua, 66 tuổi và bà Đinh Thị Lây, 62 tuổi, hiện ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây.
 
Một thời hoa lửa
 
Ông Chua sinh ra trong một gia đình người Cadong đông con, ở xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây. Theo tiếng gọi Tổ quốc, ông đã tự nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu khắp các chiến trường khu 7 khi ấy.Lần dở ký ức một thời hoa lửa, ông cho biết, ông là chiến sĩ của Tiểu đoàn D20 anh hùng, thuộc lực lượng  vũ trang tỉnh Quảng Ngãi. 
 
 
Vợ chồng ông Đinh Văn Chua đều là người có công với cách mạng.
Vợ chồng ông Đinh Văn Chua đều là người có công với cách mạng.
 
Trong những ký ức tươi đẹp ấy là không ít những đau thương mà chiến tranh để lại. Trong một trận đánh ở xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh với địch vào năm 1974, những người đồng đội của ông đều đã lặng lẽ nằm xuống. Còn ông, may mắn thoát chết nhưng vết thương làm cụt đến 1/3 đùi phải, giám định thương tật đến 71%.
 
"Chiến tranh ác liệt, thế hệ chúng tôi ngày ấy chỉ nghĩ đến 2 chữ hòa bình, chẳng tiếc gì đau thương, mất mát, bản thân mình. Mình là một trong những người may mắn thoát chết nhưng tất cả đồng đội trong tiểu đội đều đã nằm xuống...", mắt ông ngấn lệ, xúc động nhớ về những năm tháng ấy, khi ông là tiểu đội phó.
 
Dòng chữ xăm trên cánh tay phải "đời phải có một lần tự do" vẫn còn nguyên vẹn trên cánh tay phải như một ký ức khó phai nhòa, thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu cùng đồng đội năm xưa.
 
Khi vết thương lành lặn, người thân nghĩ đến việc phải tìm cho ông một người vợ. Qua mai mối, ông biết vợ mình bây giờ. Bà là một người con gái xinh đẹp, hiền lành, ở tận thôn Huy Em, xã Sơn Mùa.
 
Đặc biệt, cũng giống như ông, thanh xuân và tuổi trẻ của bà đều cống hiến cho cách mạng, mà nói như bà là “khi biết nấu cơm đã biết làm cách mạng”, nhưng thời gian bà hoạt động nhiều nhất là những năm 1968 cho đến năm 1974. 
 
Bị tật nguyền chân phải, mọi quán xuyến trong gia đình đều một tay vợ ông đảm đang. Nhưng mọi việc lớn, nhỏ vợ chồng đều có nhau.
Bị thương chụt chân phải, quán xuyến trong gia đình đều một tay vợ ông Chua đảm đang. Nhưng mọi việc lớn, nhỏ vợ chồng đều có nhau.
 
Chưa một ngày yêu nhau, chỉ với sự đồng cảm và ngưỡng ý chí, tinh thần cách mạng của ông, bà quyết định đồng ý về ở cùng ông từ năm 1978, khi hòa bình lập lại. 
 
“Chỉ cần cái gật đầu của gia đình hai bên, chúng tôi dọn về ở với nhau. Chưa một lần mặc áo cưới vì thời ấy khó khăn lắm. Ấy vậy mà cũng đã đi cùng nhau tới mấy chục năm, giờ cũng có con bồng, cháu bế”, bà Lây bộc bạch.
 
"Con chăm cha, không bằng bà chăm ông”
 
Cưới nhau về, ông bà vất vả trăm bề, làm đủ nghề mưu sinh. Ông mạnh dạn đi học may ở Trường Dạy nghề thương binh Thủ Đức ở TP.HCM. Khi ông tốt nghiệp ra trường, ông bà chọn thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) là nơi sinh sống, lập nghiệp.
 
Tàn nhưng không phế, với sự động viên của bà, ông làm đủ nghề. Từ cái nghề may được đào tạo ra, cho đến trồng keo, chăn nuôi. Tất cả là để gặt hái thành quả lớn nhất cuộc đời, đó là nuôi con trai ăn học trưởng thành, có công ăn việc làm, yên bề gia thất.
 
“So với đồng đội, cuộc đời đã cho tôi nhiều ân huệ, với sự quan tâm của chính quyền các cấp. Bảy triệu tiền lương mỗi tháng của cả hai vợ chồng cũng đủ để chi tiêu, sinh hoạt nhưng không vì thế mà mình ỉ lại. Mình vẫn phải cứ phấn đấu, làm việc để cải thiện kinh tế gia đình", ông Chua bộc bạch.
 
Sau này, ông bà về lại xã Sơn Mùa quê bà để lập nghiệp. Nhận thấy cuộc sống bà con vùng cao khó khăn do việc đi lại vất vả, ngoài trồng keo mì, chăn nuôi, hai vợ chồng còn liên kết dưới xuôi để mở cửa hàng tạp hóa lớn để phục vụ nhu yếu phẩm, đồ dùng cần thiết cho bà con trong thôn.
 
“Hai vợ chồng là người có uy tín ở địa phương, là tấm gương điển hình của bộ đội cụ Hồ trong thời bình, luôn cố gắng để góp phần phát triển kinh cho tế cho gia đình, địa phương”, chuyên viên Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Sơn Tây nhấn mạnh. 
 
Con cái bây giờ vì cuộc sống mưu sinh nên phải ở xa. Dù việc gì lớn, nhỏ, người dân ở thôn Huy Em bao năm qua vẫn quen với hình ảnh ông Chua ở đâu, bà Lây ở đó. 
 
Lúc nào ông cũng cho rằng, mình bị thương ở chân, nên sự cố gắng của bản thân cũng chỉ là một phần hỗ trợ cho bà. Gánh vác trong gia đình đều do vợ, người đàn bà luôn tỏ ra là người mạnh mẽ, cứng cáp.
 
Lặng lẽ nhìn bà, ông bảo: “Cuộc đời tôi có hai may mắn. May mắn thứ nhất là thoát được cửa sinh tử, trở về từ chiến trường, được sống trong hòa bình cùng con cháu. May mắn thứ hai là có được người một lòng yêu thương mình".
 
Đã gần 70 tuổi, những vết thương của chiến tranh, bạo bệnh tuổi già vẫn cứ hành hạ khi trái gió trở trời. Ấy vậy ông vẫn lạc quan vì bên ông luôn có người vợ tần tảo là bà Lây. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.