"Dịch bệnh làm khó khăn gấp đôi, thì chúng ta phải cố gắng gấp ba..."

10:04, 13/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương được tổ chức sáng ngày 10.4. Đây được xem như "Hội nghị Diên Hồng" để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện về kinh tế với các tác động từ dịch Covid-19, gồm: Các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh...
 
Giải pháp phục hồi nền kinh tế sau dịch
 
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay khi sự lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi, nên cần tiếp tục thực hiện hiệu quả việc cách ly xã hội. Thủ tướng cũng bày tỏ biết ơn tất cả người dân đã đồng hành, chia sẻ và thông cảm với Chính phủ về những bất tiện do cách ly xã hội tạo ra để ngăn ngừa dịch bệnh. 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng. Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết. Các gói giải pháp tiền tệ, tài khóa ước tính trị giá 330.000 tỷ đồng đã và đang thực hiện. Riêng tổng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, các bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm; phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các KCN, KKT để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
 
Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tới đây sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu nông sản ở một số thị trường lớn đang "đóng băng". Trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy thị trường Trung Quốc và thị trường trong nước...
Hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do Covid-19
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với gói an sinh xã hội lên tới 62.000 tỷ đồng. Đây là nghị quyết có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp và có xu hướng kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
"Biến nguy cơ thành thời cơ"
 
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là phòng, chống dịch nhưng vẫn phải duy trì sản xuất, kinh doanh. "Chúng ta phải chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện, với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba", Thủ tướng kêu gọi; đồng thời yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16 về cách ly xã hội một cách nghiêm túc. 
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu.  Trong ảnh: Doosan Vina xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nặng đến Tiểu vương quốc Abu Dhabi vào tháng 3.2020.             Ảnh: P.Danh
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Trong ảnh: Doosan Vina xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nặng đến Tiểu vương quốc Abu Dhabi vào tháng 3.2020. Ảnh: P.Danh
“Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế có nguy cơ đổ gãy, dễ bị “âm” trong phát triển kinh tế. Phải tìm thị trường mới, đổi mới cách làm, thay đổi thói quen. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đến đầu tư, bảo đảm an sinh, trật tự xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
 
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần "biến nguy cơ thành thời cơ" trong cơ cấu lại nền kinh tế, với những giải pháp mạnh mẽ trong từng ngành, từng doanh nghiệp. Với khí thế và quyết tâm mới, chắc chắn sẽ đưa đất nước vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống người dân và ổn định xã hội; bảo đảm thực hiện mục tiêu kép: Đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội.
 
Gấp rút triển khai Nghị quyết của Chính phủ
 
Sau khi tiếp thu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (được báo cáo tại hội nghị trực tuyến sáng 10.4), ngay trong chiều 10.4, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã ký văn bản hỏa tốc, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Nghị quyết của Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và thực tiễn của địa phương khẩn trương xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công quản lý, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; báo cáo UBND tỉnh (qua Sở KH&ĐT), chậm nhất trong sáng 14.4.2020. 
 
Yêu cầu các sở, ngành chức năng tập trung xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện việc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, hộ nghèo, đối tượng chính sách. Thực hiện gói hỗ trợ về an sinh xã hội. Sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, lưu thông nông sản; kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm và giá thịt lợn; cắt giảm chi thường xuyên. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công. Xây dựng kế hoạch, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công và rà soát, tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn, đảm bảo khả năng cân đối vốn đầu tư công từ ngân sách địa phương; đồng thời giải ngân đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ.
 
Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trình UBND tỉnh để tổ chức Hội nghị triển khai trong thời gian tới.
 
Bài, ảnh: PHẠM DANH
 
Kinh tế Quảng Ngãi bị ảnh hưởng bởi đại dịch 
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của tỉnh trong quý I/2020. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp, sản lượng thủy sản, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2019. 
 
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 30.100 tỷ đồng, tăng 1,9% (cùng kỳ năm 2019 tăng 2,2%). Nếu không tính sản phẩm lọc hóa dầu thì giá trị sản xuất tăng 19,7%. Giá cả thị trường tương đối ổn định, không có biến động lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 13.900 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy lĩnh vực dịch vụ tăng, nhưng đây là mức tăng thấp nhất trong những năm qua (năm 2018 tăng gần 9%, năm 2019 tăng hơn 10%...). Công tác xuất khẩu có chuyển biến khá trong quý I/2020, ước đạt 275,3 triệu USD, tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 27,5% kế hoạch năm. 
 
Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong quý I/2020 ước đạt 5.158 tỷ đồng, bằng 27,8% dự toán năm và bằng 144,6% so với cùng kỳ năm 2019. 
 
NG.TRIỀU

 

 
 
 
 
 
 

.