Đó là quy định mới trong Bộ luật lao động năm 2019, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Theo quy định này, người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), Khoản 1, Điều 94 của Bộ luật lao động năm 2019, sẽ có hiệu lực từ 1-1-2021 thì người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Như vậy, nếu người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì có thể ủy quyền cho cha mẹ, vợ chồng, con... để nhận lương thay.
Luật sư Phát cho rằng đây là quy định mới trong Bộ luật lao động năm 2019. Tuy nhiên, về bản chất, muốn thực hiện quy định này thì vẫn phải làm thủ tục ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành. Theo quy định pháp luật hiện nay, người được ủy quyền vẫn có thể lãnh lương thay người ủy quyền.
Ủy quyền lãnh lương chỉ là 1 khía cạnh nhỏ trong phạm vi cho phép uỷ quyền của Bộ luật dân sự. Thực tế việc ủy quyền này đã được áp dụng cho việc lãnh lương hưu.
Cụ thể là lương hưu của các lão thành cách mạng, người già yếu sẽ được chuyển về trụ sở UBND phường để người nhận lương hưu đến nhận hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng.
Nếu người nhận không thể đến nhận trực tiếp thì có thể làm ủy quyền cho người thân hoặc cho một cá nhân nào đó, có thể là người ở gần nhà hoặc tổ trưởng tổ dân phố...nhận giúp.
Việc ủy quyền có thể thực hiện ở Văn phòng công chứng hoặc theo mẫu ủy quyền thông qua việc xác nhận chữ ký tại UBND phường/xã.
Theo Tuổi trẻ