Những ngày tháng can trường

09:11, 21/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Ký ức về chiến tranh vẫn khắc khoải trong tôi, nhất là khi nhớ lại đồng đội cũ mang thương tích trên người, hay lúc nghĩ về những người đã để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường”, ông Lê Văn Châu-bí danh Minh Tâm (98 tuổi), ở thôn 2, xã Đức Tân (Mộ Đức), mở đầu câu chuyện về những ngày tháng oai hùng mà ông đã trải qua.
 
Niềm tự hào của người lính trẻ         
 
Ngày còn nhỏ, cậu bé Châu chứng kiến làng quê nhiều đau thương, bà con nghèo khó, vất vả. Thế là, năm 14 tuổi, cậu học sinh ấy cùng bạn bè hăng hái tham gia cách mạng. “Lúc tôi quyết định, cứ nghĩ rằng cha mẹ sẽ ngăn cấm, nhưng lạ thay, mẹ tôi chỉ nói: "Tham gia cách mạng là niềm tự hào đó, con cố mà hoàn thành trách nhiệm với quê hương, đất nước. Bố mẹ hiểu, trong chiến tranh, bom đạn, hy sinh là chuyện khó tránh khỏi". Bà là người mẹ mạnh mẽ như bao người phụ nữ lúc bấy giờ”, ông Châu nhớ lại. 
Cựu chiến binh Lê Văn Châu.
Cựu chiến binh Lê Văn Châu.
Năm 1944, ông Châu là hội viên Hội Tán trợ du kích Ba Tơ, rồi sau đó tham gia du kích Ba Tơ ở chiến khu. Năm 1946, ông Châu được điều động sang Lào chiến đấu ở Xê-pôn, Kèn-khom, Mường-phìn. Với ông, được tham gia nghĩa vụ quốc tế là vinh dự đối với người lính trẻ.
"Chiến trường Lào thời ấy vô cùng ác liệt. Có những đồng đội chỉ vừa biết mặt, chưa quen tên thì đã hy sinh. Trong trận đánh, một đồng đội xông tới tóm cổ địch để chúng tôi tấn công, rồi người đồng đội ấy bị thương rất nặng, không có phương tiện gì để cầm máu. Tôi bất lực nhìn đồng đội lạnh dần và hy sinh. Hai người anh ruột của tôi cũng đã ngã xuống chiến trường Lào ở tuổi đẹp nhất...",  ông Châu, với giọng run run, đôi mắt ngấn lệ, kể về quãng đời không thể nào quên. 

"Khoảng thời gian chuẩn bị cho những trận đánh ở Lào, những người lính cứ lầm lũi xuyên rừng, gùi những thùng gỗ sơn màu xanh lá cây nguỵ trang nặng tới hơn năm mươi cân. Đôi vai đau nhức, chân mỏi rã rời nhưng không người lính nào cho phép mình một phút nghỉ ngơi. Họ vẫn cần mẫn bước đi, chiến đấu giúp các bạn Lào", ông Châu chia sẻ.

 
Sống tiếp phần đời sáng đẹp
 
Để lại cả một thời tuổi trẻ ở chiến trường ác liệt, hơn 10 lần bị thương nặng tưởng chừng như bỏ cuộc, người lính Lê Văn Châu trở về địa phương và dạy học ở Trường Tăng Thiết, xã Đồng Cát (nay là thị trấn Đồng Cát, huyện Mộ Đức).
 
Tại đây, ông Châu bắt đầu hành trình “trồng người” đầy đam mê của mình, là người thầy của biết bao thế hệ học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Thời đó, cuộc sống khó khăn, cơ cực là vậy nhưng ông Châu luôn quan tâm đến vấn đề học tập của các trò.
 
Ông Châu kể: Có nhiều hôm mưa to, rét mướt, thương học trò nhà xa chưa về được, bà Nhi - vợ tôi, lại bưng ra đĩa bánh, rổ khoai cho các cháu ăn tạm đỡ đói. "Nghĩ lại thấy thương vợ mình, bà ấy hiểu và cảm thông, sẵn sàng giúp đỡ những học trò nghèo. Thấy các trò ham học, rồi thành tài, tôi cảm thấy rất vui", ông Châu bày tỏ.
 
Đã gần 80 năm trôi qua, kể từ ngày lên đường nhập ngũ, những vết thương giờ đây đã thành những vết sẹo đi cùng năm tháng. Nhưng mỗi lần gặp gỡ đồng đội, họ lại ngồi rỉ rả với nhau những câu chuyện cũ. Là nhớ những lúc đắp vội nấm mộ cho đồng đội. Là khi nhớ về nắm cơm nguội được dân cho, cắt ra thành mấy phần để cùng ăn sao thấy ngon lạ lùng. Là lúc anh em nhường nhau viên thuốc sốt rét cuối cùng... Những cảm xúc chân thành ấy sẽ không phai mờ trong tâm trí của người cựu binh già.
 
“Sau thời bình, tôi và những người đồng đội còn sống sót trở về cần phải sống tiếp phần đời sáng đẹp của thời oai hùng đó, sống thay phần đồng đội, những người đã nằm lại trong lòng đất mẹ”, ông Châu trải lòng.
 
Bài, ảnh: NGUYỄN NHÃ     
 

.